Cho phá sản một số doanh nghiệp Nhà nước tại Hà Nội

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ triển khai cổ phần hóa 16 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc và tiếp tục thực hiện các hình thức sắp xếp đối với các doanh nghiệp còn tồn tại giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang. Trong đó sẽ cho phá sản Công ty Kỹ thuật điện thông và Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội, cổ phần hóa Haprosimex.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ được chuyển giao trước cho phá sản Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội. Công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ được chuyển giao trước cho phá sản Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 5318 yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do cơ quan này quản lý giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trong giai đoạn này, thành phố triển khai cổ phần hóa 16 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc, gồm 5 tổng công ty; 4 công ty mẹ - công ty con; 7 công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước độc lập.

Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức sắp xếp đối với các doanh nghiệp còn tồn tại giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang, gồm có cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Haprosimex; phá sản Công ty Kỹ thuật điện thông; bán Cửa hàng lương thực số 60 phố Ngô Thì Nhậm; chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, sau đó thực hiện phá sản Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Theo đánh giá của UBND Hà Nội, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2020 chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, số lượng lao động lớn. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai cổ phần hóa phải đúng các quy định và quy trình về cổ phần hóa DNNN; đồng thời, giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh.

Quá trình cổ phần hóa phải được thực hiện công khai, minh bạch; công khai về số lượng doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa; tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của từng doanh nghiệp; công khai tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại từng doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện và niềm tin cho các nhà đầu tư mua cổ phần.

Thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp cổ phần hóa; quan tâm và triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách cho người lao động và lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định xã hội.

Cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp, đúng quy định; phù hợp với khả năng hấp thụ nguồn vốn của thị trường, đảm bảo sự ổn định của các doanh nghiệp. UBND thành phố chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp theo quy định nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ) theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ ban hành, đối với các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì bán hết.

UBND thành phố giao Sở Tài chính - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố chủ trì cùng các thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp xác định thời điểm triển khai sắp xếp, cổ phần hóa, trình UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa đảm bảo hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở Tài chính cũng sẽ là đơn vị tham mưu giúp UBND thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, phấn đấu hoàn thành sớm kế hoạch đã đề ra, đảm bảo công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả cao nhất. Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn thực hiện theo quy định; báo cáo đề xuất, xử lý những tồn tại, vướng mắc phát sinh. Tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa 6 tháng và hàng năm báo cáo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố, UBND thành phố theo quy định.


Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục