Chờ nhấc hòn đá tảng cản dòng tiền

(ĐTCK) Nếu như các năm trước, nợ xấu là nội dung được né tránh tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ, thì năm nay xử lý nợ xấu đã trở thành một trong những vấn đề được đề cập cụ thể tại các cuộc họp.
Chờ nhấc hòn đá tảng cản dòng tiền

Đầu tuần này, Nghị định 34/2015/NĐ-CP có hiệu lực được thị trường tài chính chú ý khi trao thêm nhiều cây gậy cho VAMC xử lý nợ xấu, như quy định cụ thể hơn cho định chế này phát hành trái phiếu mua nợ xấu theo giá trị thị trường, cơ chế bán nợ thông thoáng hơn cũng như yêu cầu sự phối hợp của các cơ quan có liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chính quyền địa phương.…

Vấn đề thị trường quan tâm là thực thi để sớm nhấc hòn đá tảng đang chặn dòng tiền chảy ra nền kinh tế. Trên thực tế, các ngân hàng đang rất sốt sắng việc bán nợ cho VAMC.  Nếu như các năm trước, đây là nội dung được né tránh tại nhiều cuộc họp ĐHCĐ thì năm nay xử lý nợ xấu đã trở thành một trong những vấn đề được đề cập cụ thể tại các cuộc họp.

Tại ĐHCĐ của một trong những ngân hàng được xếp trong nhóm “sạch” nhất hiện nay, số nợ xấu cần phải xử lý là rất lớn. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, năm 2014 họ đã bán nợ xấu cho VAMC 2.506 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đặt ra. Năm 2015, Ngân hàng đặt mục tiêu bán tiếp 1.800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, trong đó dư nợ cần phải bán cho VAMC trong 6 tháng đầu năm là 1.450 tỷ đồng, tương đương với 81% tổng dư nợ đăng ký bán cho VAMC.

Không chỉ có ngân hàng trên, ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã xếp hàng đăng ký bán nợ cho VAMC. Điều này cho thấy, việc xử lý nợ xấu đã trở thành yêu cầu bức bách của chính các ngân hàng, thay vì thực hiện theo mệnh lệnh từ cơ quan quản lý như trước đây. Tuy nhiên, thực tế xử lý được nợ xấu để khơi thông dòng chảy tín dụng không hề đơn giản.

Ông Bradley Charles Lalonde, một chuyên gia ngân hàng đến từ Australia  nhận xét rằng, vấn đề lớn nhất trong môi trường kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung là nợ xấu, số lượng lớn. “Cục máu đông” này đang làm giảm khả năng cung cấp tín dụng mới của ngân hàng. Chuyên gia này cũng nhìn thấy tỷ trọng rất lớn của phần nợ xấu đến từ khối DNNN, giải quyết được câu chuyện quả thực rất phức tạp, đòi hỏi khả năng rất lớn của VAMC cũng như từng ngân hàng cụ thể.

Việc VAMC được mua nợ theo giá thị trường chứ không phải theo giá trị sổ sách tài sản như trước đây, theo nhận xét của giới phân tích, sẽ tạo động lực rất lớn cho các ngân hàng tăng cường bán nợ. Đầu vào đã có, đầu ra, hay nói cách khác là việc bán nợ của VAMC sẽ như thế nào. Số liệu công ty này công bố cho biết, tính đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được gần 121.000 tỷ đồng nợ gốc của 39 tổ chức tín dụng và thu hồi được hơn 4.100 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, đầu ra cho nợ xấu đang rất ì ạch, trong khi nhiều nhà đầu tư lại đỏ mắt chờ một thị trường mua bán nợ được hình thành. Trong thư gửi cộng động nhà đầu tư của VinaCapital năm ngoái, đã nhấn mạnh đến việc các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc mua nợ của VAMC nhưng họ không thể đến được chợ này.

Liệu rằng, với những điểm mới của Nghị định 34, VAMC có chủ động bán được nợ đến nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến trình giải quyết nợ xấu? Khi nợ xấu còn cản đường, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được đồng vốn mới, kéo theo sự ì ạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục