Chờ khung pháp lý thử nghiệm cho ngành mới

0:00 / 0:00
0:00
Dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được dự báo bứt phá trong 2021 và những năm tới. Nhưng để thành hiện thực, cần sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho các ngành mới.
Đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các quỹ đầu tư sẽ có thêm nhiều thương vụ hấp dẫn

451 triệu USD là tổng vốn đầu tư vào các start-up công nghệ Việt Nam trong năm 2020, giảm 48% so với năm 2019. Trong khi đó, số lượng khoản đầu tư giảm không đáng kể, ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - tương đương cùng kỳ năm 2019.

Các con số trên được nhấn mạnh trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020, do Do Ventures phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố đầu tuần này (31/5).

Bỏ qua yếu tố dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như vốn đầu tư của các quỹ ngoại đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể thấy, các quỹ nội cũng đã bắt đầu “nhập cuộc”, khẳng định sự hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này.

Nguồn vốn ổn định đổ vào các start-up giai đoạn đầu được xem là đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Do Ventures ghi nhận, hơn một nửa số thương vụ đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, nguồn nhân lực công nghệ ở Việt Nam rất dồi dào, nhưng các nhà sáng lập chưa thực sự mạnh về tư duy sản phẩm do họ phần lớn chỉ mới làm quen với hoại động gia công phần mềm trước kia. Tuy nhiên, các nhà sáng lập thế hệ trẻ ngày nay lại có cơ hội tiếp cận những mô hình kinh doanh tiên tiến nhất trên thế giới và học hỏi được rất nhiều từ đó.

“Chúng ta đã có những start-up có thể tự mình phát triển những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, như Palexy - start-up hỗ trợ các nhà bán lẻ truyền thống tối ưu vận hành cửa hàng vật lý và trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”, bà Vy nói.

Theo CEO của Do Ventures, Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong hành vì của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khi các hoạt động trong đời sống và công việc dần dịch chuyển sang online. Đây là cơ hội bứt phá cho những ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) và các giải pháp số cho doanh nghiệp. Cùng với các ngành vốn đã phát triển mạnh mẽ như thương mại điện tử hay Fintech (công nghệ tài chính), các ngành nói trên sẽ thu hút mạnh vốn đầu tư trong giai đoạn tới.

Có thể nói, các start-up Việt đang có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư, nếu kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường và đưa ra được những sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng, đặc biệt trong những thời điểm có nhiều biến động như hiện nay.

Cần sớm có khung pháp lý thử nghiệm cho những ngành mới

Có thể nói, trong những năm gần đây, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Với sự phát triển nhanh chóng của số người dùng Internet và smartphone hiện nay, start-up Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi để đưa sản phẩm công nghệ của mình tới người tiêu dùng. Nhờ vậy, các quỹ cũng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures

Đặc biệt, vào tháng 1/2021, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đã được thông qua với những mục tiêu rõ ràng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 đánh giá, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã góp phần hoàn thiện nhiều cơ chế pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, Trung tâm đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ góc độ của quỹ đầu tư mạo hiểm, bà Lê Hoàng Uyên Vy kỳ vọng, các khung pháp lý thử nghiệm cho những ngành mới như Fintech hoặc MedTech sẽ sớm được nhân rộng nhằm tạo điền kiện cho các start-up Việt Nam cho ra đời các sản phẩm có tính đột phá và mang lại giá trị thiết yếu cho người dùng trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả đầu ra của đổi mới sáng tạo là hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa. Do vậy, để phát triển hiệu quả đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của toàn bộ chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đó là các doanh nghiệp, các viện, trường, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân…

“Các chủ thể này phải liên kết với nhau, trong đó 3 chủ thể quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo”, ông Đông nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục