Chờ giao dịch T0 và bán khống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực vào năm 2021 và các văn bản hướng dẫn đang được dự thảo có một số điểm mới, tạo cho thị trường và nhà đầu tư các “sản phẩm” mới.
Bán khống và giao dịch T0, điều mà nhà đầu tư mong mỏi từ lâu đã được quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán. Bán khống và giao dịch T0, điều mà nhà đầu tư mong mỏi từ lâu đã được quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.

Bán khống có bảo đảm

Tại Việt Nam, việc bán khống mới chỉ được áp dụng đối với chứng khoán phái sinh. Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203 về giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước soạn thảo có thêm quy định về bán khống có đảm bảo.

Theo đó, Điều 11, dự thảo Thông tư quy định, hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203 quy định, Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm.

Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm. Tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt, hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản.

Dự thảo Thông tư cũng quy định điều kiện để chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về hoạt động kinh doanh có lãi, thanh khoản tốt...

Theo ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI, giao dịch bán khống có bảo đảm giúp nhà đầu tư có thể linh hoạt giao dịch kiếm lời ngay cả khi dự báo thị trường xuống bằng cách bán trước mua sau.

Tuy nhiên, các quy định về giao dịch bán khống có bảo đảm và T0 tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán mới dừng lại ở mức quy định chung nguyên tắc giao dịch và giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quy chế để hướng dẫn chi tiết, giống như cách làm với giao dịch ký quỹ nên vẫn còn chờ các quy định cụ thể được đưa ra mới có thể đánh giá được.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Long, điều kiện tiên quyết để thực hiện giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm là hệ thống thanh toán của VSD và hệ thống của các công ty chứng khoán phải quản lý được giao dịch của nhà đầu tư, vừa đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại vừa đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro.

“Các giao dịch này có thể được thực hiện khi hệ thống mới của VSD được triển khai”, ông Long nói.

15 tuổi được phép mở tài khoản giao dịch chứng khoán

Điểm tiến bộ tại dự thảo Thông tư là quy định cá nhân đủ 15 tuổi có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán nếu được người giám hộ đồng ý. Bộ luật Dân sự hiện nay cũng cho phép người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện các giao dịch dân sự, trừ một số trường hợp phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Ông Nguyễn Kim Long cho biết, thực tiễn ở công ty chứng khoán có ghi nhận một số trường hợp nhà đầu tư ở độ tuổi này đến mở tài khoản giao dịch chứng khoán, tuy nhiên chưa có nhiều.

Quy định của dự thảo thành hiện thực có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư trẻ trên thị trường chứng khoán, tạo cơ hội cho các bạn trẻ làm quen với đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán từ khi còn ở bậc trung học.

Xã hội phát triển cùng với sự phát triển cá nhân, khả năng nhận thức, khả năng tiếp cận thông tin và học hỏi của cá nhân ngày càng cao thì việc cho phép cá nhân đủ 15 tuổi trở lên mở tài khoản giao dịch chứng khoán là hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc phụ trách pháp chế Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quy định mới này cũng khắc phục được một bất cập hiện nay tại các công ty chứng khoán, đó là khi công ty chứng khoán thực hiện thủ tục thừa kế cho người chưa thành niên thường gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định tài khoản giao dịch chứng khoán dùng để nhận chứng khoán thừa kế đứng tên ai, do ai quản lý, thủ tục chuyển quyền sở hữu như thế nào...

Ngoài quy định nói trên, dự thảo Thông tư không có quy định nào khác về việc hạn chế giao dịch chứng khoán của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, do đó họ có thể thực hiện giao dịch như một nhà đầu tư thông thường. Bà Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc phụ trách pháp chế BVSC

Còn những giao dịch chứng khoán phức tạp hơn như margin, hợp đồng quyền chọn... trên thị trường chứng khoán phái sinh nên dành cho các đối tượng nhà đầu tư trên 18 tuổi. Bà Vân kiến nghị, dự thảo cần có quy định theo hướng hạn chế nhà đầu tư đủ 15 tuổi đến 18 tuổi chỉ được tham gia một số giao dịch chứng khoán cơ bản, dễ dàng, ít rủi ro như các giao dịch tại thị trường chứng khoán cơ sở, giao dịch đối với các trái phiếu an toàn, có tín nhiệm cao....

Sở dĩ như vậy là do nhà đầu tư dưới 18 tuổi chưa đủ năng lực hành vi dân sự, trình độ kiến thức còn hạn chế, ít có khả năng chịu trách nhiệm khi rủi ro và đặc biệt là họ phải giao dịch theo cơ chế thông qua người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp nhà đầu tư dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán thì sẽ phải xử lý như thế nào giữa nhà đầu tư và người đại diện cũng cần có chế tài cụ thể.

Giao dịch T0

Theo quy định hiện hành, thời gian giao dịch và thanh toán của cổ phiếu trên thị trường là T+2, tức là khi mua cổ phiếu thì 2 ngày sau nhà đầu tư mới có thể bán cổ phiếu đó. Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203 về giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch có quy định cho phép nhà đầu tư giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch T0).

Điều 10, dự thảo Thông tư quy định, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

Giao dịch T0 là điều nhà đầu tư trên thị trường chờ đợi từ lâu. Theo bà Vân, đây là một sự đổi mới quan trọng nhằm thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường mới nổi.

Còn theo ông Nguyễn Kim Long, nhìn chung, công ty chứng khoán và nhà đầu tư rất mừng khi thấy dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán có quy định cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm và giao dịch chứng khoán chờ về (T0).

Hiện nay, các nhà đầu tư đã mua chứng khoán vẫn phải chờ đến ngày T+3 mới có thể bán chứng khoán đã mua, làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro khi thị trường đảo chiều nhanh. Quy định giao dịch T0 đã giải quyết vấn đề này.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục