Ông chủ một hãng may comple lớn trên phố Tôn Ðức Thắng thủng thẳng nói, cứ xác định đóng cửa chơi thêm ít nhất 3 tháng nữa, thợ thuyền đã về quê, vợ chồng ông cũng cố gắng tùng tiệm, trả cửa hàng, giảm bớt chi phí chừng nào hay chừng đó.
Hệ lụy của việc đóng cửa nền kinh tế do đại dịch khó có thể cân đong đo đếm, bởi tác động tâm lý là cực lớn và ảnh hưởng kéo dài. Tâm lý thận trọng sẽ khiến sự co cụm phòng thủ lên ngôi, không chỉ ở các doanh nghiệp, nhà đầu tư mà toàn bộ người dân, hệ quả là tiêu dùng sa sút và sản xuất đình đốn.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của 15 ngân hàng niêm yết mới được công bố đều có một điểm chung, đó là tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) hay nói cách khác là tiền thanh toán, giảm mạnh so với cuối năm ngoái.
Chỉ số sản xuất PMI tháng 4 vừa được công bố cũng chỉ ra rằng, chỉ số này ở các quốc gia Ðông Nam Á đều giảm mạnh, trong đó Indonesia giảm mạnh nhất. PMI của Việt Nam giảm xuống còn 32,7%.
Chi tiết, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm nghiêm trọng và việc làm giảm với tốc độ kỷ lục.
Dữ liệu tháng 4 cho thấy, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh của Covid-19. Bên cạnh đó, các căng thẳng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc Covid-19 và các đe dọa áp thuế cũng là mối lo canh cánh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ðộ mở nền kinh tế là rất lớn, cả thế giới hắt hơi, ta khó có thể khỏe mạnh.
Trước phiên giao dịch giữa tuần này, trên các sàn chứng khoán, nhà đầu tư bình luận và quan tâm nhiều đến thông tin Tổng thống Mỹ sẽ mở cửa nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại, dù phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe và sự an toàn sinh mạng của người dân.
Ðộng thái này cho thấy, tác động và ảnh hưởng quá lớn của đại dịch và việc đóng cửa tới nền kinh tế, ngay các nền kinh tế phát triển, có tích lũy lâu dài cũng khó có thể chịu đựng hơn.
Vậy khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng cách ly và mở cửa lại nền kinh tế, bao giờ doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại bình thường?
Một khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu của PwC mới công bố cho biết, nếu dịch Covid-19 kết thúc ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của họ có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng ba tháng.
Tuy nhiên, sẽ khó có thể trở lại bình thường như trước mà một “bình thường mới” với nhiều công nghệ và giải pháp để thích nghi sẽ được thiết lập trong tương lai gần.
Ðáng chú ý, 80% lãnh đạo tham gia khảo sát cho rằng doanh thu và/hoặc lợi nhuận doanh nghiệp sẽ sụt giảm trong năm nay; 69% cho biết nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là mối lo ngại hàng đầu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra và thực thi các giải pháp “tự cứu mình”, bên cạnh việc tận dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang và sẽ thực thi.
Bởi vậy, cuộc họp trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ được giới đầu tư chờ đợi với kỳ vọng về những giải pháp đột phá mới, cách triển khai mạnh mẽ mới, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Ðây chính là lực đỡ lớn nhất cho thị trường chứng khoán trong tháng 5, mà lâu nay luôn chịu một lời nguyền “bán tháng 5 và đóng cửa đi chơi”.