Chờ đợi làn sóng di chuyển kênh đầu tư sang chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu năm 2023, vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp cũng như room tín dụng được nới lỏng hơn sẽ thu hút được nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư giá trị.
Chờ đợi làn sóng di chuyển kênh đầu tư sang chứng khoán

Câu chuyện “dòng tiền” được nhắc đến rất nhiều trong giai đoạn thị trường giảm sâu, nhất là giai đoạn tháng 10-11/2022 và đã được phản ánh vào giá. Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, “dòng tiền” trên thị trường đã ổn định hơn. Vấn đề này cũng được đặt ra cho các chuyên gia tham gia chương trình Talkshow Chọn danh mục phần 2, kỳ 10 với chủ đề “Tìm cơ hội 2023” do báo Đầu tư tổ chức ngày 20/12/2022.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder FiinPeace, nhà đầu tư thường so sánh dễ nhất là lựa chọn gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán. Nếu xu hướng lãi suất tăng, lại trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, thì tâm lý nhà đầu tư có phần thiên về gửi tiết kiệm hơn – có mức thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều cùng dự báo, xu hướng lãi suất có thể đạt đỉnh và sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2023, có thể giảm từ tháng 4, 5/2023. Khi đó, kỳ vọng kênh tiền gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nữa và sẽ có làn sóng nhà đầu tư di chuyển kênh đầu tư.

Dài hạn hơn, dòng tiền sẽ thiên về đầu tư nhiều hơn. Nhìn lại lịch sử ở những thị trường đi trước, Việt Nam đang có cơ hội vàng trên góc độ 5 năm, 10 năm, bởi là đất nước tăng trưởng ổn định, thì tiền đầu tư luôn luôn phải nhiều hơn so với gửi tiết kiệm, bởi sự tăng trưởng của doanh nghiệp cao hơn so với lãi tiền gửi. Ngoài ra, với một đất nước dân số trẻ thì tỷ trọng đầu tư cũng sẽ luôn luôn lớn hơn với đầu tư lãi suất cố định.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trường phòng Phân tích CTCK Thành Công cũng cùng quan điểm và cho rằng, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng khá nhiều, đó là kênh cạnh tranh với đầu tư cổ phiếu. Khi lãi suất tiền gửi của Việt Nam tăng, nhà đầu tư sẽ cảm thấy đầu tư tiền gửi bắt đầu hấp dẫn hơn. Đồng thời, khi lãi suất tăng thì chi phí vốn của nhà đầu tư tăng lên, họ cũng sẽ cân nhắc hơn khi đầu tư cổ phiếu.

Đối với tình hình lợi nhuận doanh nghiệp – yếu tố cốt lõi của thị trường chứng khoán, nhìn dài hạn thì TTCK là kênh đầu tư vào doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp ổn định, tăng trưởng, phát triển tốt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư mới vào, điều này mang tính chất dài hạn.

Ông Trung chia sẻ thêm, trong ngắn hạn, nếu năm 2023, vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp cũng như room tín dụng được nới lỏng thì sẽ thu hút được nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư giá trị. Tuy nhiên, để nhà đầu tư quan tâm đến thị trường cổ phiếu thì thị trường này phải ổn định giống như giai đoạn tháng 12 vừa qua.

“Ổn định là không có những phiên trần rồi phiên sàn, điển hình như tháng 10, tháng 11 vừa qua. Nếu thị trường ổn định, lập tức những nhà đầu tư từng rời bỏ thị trường sẽ quay lại”, ông Trung chia sẻ.

Dài hạn, với cơ cấu dân số Việt Nam, tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán không phải quá cao, đó là tiềm năng lớn cho những nhà đầu tư chưa có tài khoản chứng khoán, chưa quan tâm đến thị trường cổ phiếu sẽ thâm nhập vào thị trường, theo ông Trung.

Một yếu tố khác đang được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền hơn đó là định giá P/E trên thị trường được cho là ở vùng thấp. Có một thống kê thú vị, là mỗi khi định giá P/E thị trường về quanh vùng 11 lần, thì 12 tháng sau đó, VN-Index đã bật tăng đầy mạnh mẽ từ 35-150% đều vượt qua vùng đỉnh cũ.

Ông Tuấn Anh cho rằng, đúng là vùng P/E đang thấp, trong khi đâu đó vẫn đang có kỳ vọng lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn ở các năm sau. Bên cạnh đó, P/E giảm cũng do thị giá cổ phiếu giảm sâu trong giai đoạn thị trường sụt giảm năm 2022. Nếu tính từ tháng 4/2022, thị trường đã giảm rất sâu từ vùng 1.400-1.500 xuống dưới 1.000 điểm.

“Các bạn đầu tư dựa vào P/E cần chú ý là bản chất các bạn đang tin vào tăng trưởng của doanh nghiệp, chứ không hẳn đơn giản vì rẻ. Nhiều bạn hay lập luận rằng vì cổ phiếu nên mua, nhưng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn không vận động theo nguyên tắc này, mà ngắn hạn tuân thủ theo nguyên lý xu hướng, nghĩa là rẻ vẫn có thể rẻ hơn nữa. Dĩ nhiên, câu chuyện tăng trưởng của doanh nghiệp có thể sau này sẽ tốt hơn, và mức giá hiện nay (theo P/E) có thể đã về vùng hợp lý, nghĩa là có dư địa tăng trong dài hạn”, ông Tuấn Anh lưu ý nhà đầu tư.

Phan Hằng - Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục