Đường Nguyễn Kiệm (quận Bình Thạnh) cũng là khu vực tập trung nhiều quầy hàng vỉa hè bán "xác" điện thoại di động, máy tính bảng, phụ kiện... Nhưng đông nhất vẫn là chợ Nhật Tảo. Các quầy hàng xung quanh con đường này đều hoạt động suốt ngày, kể cả tối.
Do không còn sử dụng được, điện thoại cũ được chất đống để khách hàng thoải mái lựa chọn. Người bán có thể bán riêng từng chiếc, hoặc bán theo ký.
Một người bán cho biết, hàng được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu là từ những người bán ve chai và "đầu mối riêng" không thể tiết lộ.
Một số quầy còn phân loại sẵn xác điện thoại để người mua dễ lựa chọn. Hàng được mua nhiều nhất vẫn là điện thoại cũ, không còn sử dụng được với tình trạng vỡ màn hình, vỡ lớp vỏ bảo vệ.
Dù đã thành "rác thải", chúng vẫn được người bán "mông má" lại cho vừa mắt.
Ông Trần Phúc, một thợ sửa điện thoại cho biết, ông thường đến khu chợ Nhật Tảo mỗi tuần 2 - 3 lần để mua "xác" điện thoại. "Nhiều linh kiện không thể tìm được ở nơi khác, nhưng khu này thì có. Nhờ đó mà người ta biết tới quán tôi nhiều hơn, vì tôi sửa được những máy mà người ta sửa không được", ông Phúc cho biết.
Duy Phương, một học viên đang theo học sửa chữa điện thoại tại trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, chia sẻ, nhờ khu chợ này mà hàng tháng anh tiết kiệm được khá nhiều tiền mua linh kiện để thực hành tại nhà.
Pin cũng được phân loại để bán riêng. Người mua thoải mái lựa chọn, nhưng chỉ được thử tại chỗ, nếu đã mua không thể đổi trả. Do đã cũ và gặp va chạm khi dịch chuyển, nhiều viên pin phồng lên và đã có một số trường hợp phát nổ.
Ngoài điện thoại, phụ kiện như dây sạc, tai nghe... được bán khá nhiều. Hầu hết đã bị hỏng, hoặc chưa hỏng thì cũng không thể sử dụng được do bám bụi và các loại chất bẩn khác vì để lâu ngày. Số sử dụng được, người bán đã tách ra, bán riêng. Tuy nhiên, dây sạc điện thoại hầu hết lỗi thời với đầu cắm cũ.
Ông Trần Vũ (quận 1) cho biết, ông rất vui vì mua được một chiếc đầu đĩa CD với giá 80.000 đồng. "Săn lùng mãi không có mà giờ lại mua được. Tôi có kỷ niệm với chiếc Emprex này. Theo tôi đoán thì nó chỉ bị hỏng pin, về sửa lại là dùng được ngay", ông Vũ hồ hởi nói.
Những người thường ra các khu chợ trời này cho hay, nếu may mắn, bạn có thể sở hữu những món đồ giá trị với giá chỉ vài chục nghìn đồng. "Quan trọng là bạn có nhìn ra giá trị của chúng hay không", ông Vũ nói thêm.
Không chỉ hấp dẫn những tay thợ hay sinh viên, chợ này còn thu hút khá nhiều người là khách du lịch. Jack, một khách du lịch Australia, cho biết, ông thật sự ấn tượng với chợ điện tử cũ này.
"Tôi đã sang Việt Nam nhiều lần và lần nào cũng lang thang ở chợ đồ cũ. Tôi cũng đã mua được một số thứ cần thiết, thật tuyệt vời. Ở Australia không có những thứ này!", ông nhận xét.