Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, sáng 26/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án này được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2017, với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 280 ha, diện tích đất Phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.
Về các nội dung điều chỉnh so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, theo Bộ trưởng Thắng, tổng mức đầu tư giảm từ 22.938 tỷ đồng xuống hơn 19.207 tỷ đồng (giảm hơn 3.730 tỷ đồng).
Cạnh đó, diện tích đất thu hồi được đề xuất giảm từ hơn 5.399 ha xuống hơn 5.317 ha (giảm 82 ha). Trong đó, diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha; diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn là 284 ha (tăng 2,35 ha).
Nội dung điều chỉnh còn có tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha; giảm không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất Phân khu III - Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97 ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20 ha.
Chính phủ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến hết năm 2024 và bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối TI, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Theo tờ trình của Chính phủ, việc điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư, giảm diện tích thu hồi đất, bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối Tl, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Son… không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án.
Do đó, các điều chỉnh này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và thẩm quyền điều chỉnh là của Thủ tướng. Chính phủ báo cáo Quốc hội các nội dung điều chỉnh trước khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Về nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024, ông Thắng cho biết thuộc thẩm quyền của Quốc hội do làm tăng thời gian thực hiện dự án so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt. Vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua để có cở sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Còn về lý do điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn cho Dự án, Bộ trưởng nêu tác động của Covid-19. Trong khi đó, đây là dự án có khối lượng công việc rất lớn, phức tạp do liên quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội..., đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỉ và phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất (chuyển nhượng viết tay, vô chủ...), cần phải kéo dài thời gian xác minh và gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do giá cả vật tư, vật liệu tăng cao, nguồn cung ứng sản xuất vật tư, vật liệu bị đứt gãy; lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Để có cơ sở triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; kéo dài thời gian giải ngân đối với hơn 966 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hơn 1.500 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2024, để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành dự án.
Chính phủ cũng kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định tiến độ triển khai thực hiện Dự án là rất chậm, không đáp ứng yêu cầu đặt ra “việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021”. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn để Kho bạc Nhà nước tiếp tục giải ngân đối với khối lượng đã hoàn thành của các dự án thành phần; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân còn lại của Dự án, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024, nhưng đề nghị đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021 đến năm 2023.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần làm rõ việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì “hoàn thành trước năm 2024” ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án.
“Nếu việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án đến hết năm 2024 mà không điều chỉnh về thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của Dự án, liệu có bảo đảm khả thi về tiến độ của giai đoạn 1”, ông Thanh nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án.
Đề xuất kéo dài thời gian giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024, theo cơ quan thẩm tra là cần thiết, song ông Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.