NHNN: MB xứng đáng là ngân hàng hàng đầu
Chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông MB nhiệm kỳ 2014-2019 sáng 27/4/2019, ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra - Giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra - Giám sát (NHNN) đánh giá, giai đoạn 2014-2019, MB đã có những đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của ngành ngân hàng, xứng đáng với vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần giúp NHNN ổn định thị trường và thực thi thành công chính sách tiền tệ.
Công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu được MB triển khai quyết liệt (MB đã tham gia tái cơ cấu thành công Công ty Tài chính Sông Ðà; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tích cực bàn giao nợ cho VAMC theo yêu cầu và hiện MB đã tất toán toàn bộ nợ bàn giao cho VAMC).
1 trong 4 chuyển dịch chiến lược của MB là chuyển dịch ngân hàng số phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng. Kết quả giai đoạn 2014-2019, MB đã phát triển toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra. MB duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành trên tất cả các chỉ tiêu quy mô, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động.
Cũng theo ông Huyền Anh, vị thế của MB trong 5 năm qua được nâng cao, NHNN liên tục xếp MB ở hạng A - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá các ngân hàng thương mại. Lãnh đạo NHNN cho rằng, đây là những kết quả quan trọng, để MB tiến bước phát triển trong giai đoạn mới 2019-2024.
Diễn biến quan trọng khác tại Ðại hội là việc cổ đông MB tiến hành bầu ra các nhân sự cho các vị trí thành viên HÐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Theo đó, một số nhân sự giàu kinh nghiệm, từng giữ các vị trí chủ chốt tại MB và các lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, có uy tín, là các cổ đông lớn của MB như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopters), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Saigon Newport) đã trúng cử vào HÐQT Ngân hàng.
Diễn biến này hứa hẹn sẽ giúp MB đạt được những mục tiêu rất thách thức trong thời gian tới. Một trong các mục tiêu được Thượng tướng, TS. Lê Hữu Ðức, Chủ tịch HÐQT MB chia sẻ tại Ðại hội đó là trong nhiệm kỳ 5 năm tới, từ nay đến 2024, HÐQT MB tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất” và duy trì “TOP 5 ngân hàng thương mại về hiệu quả kinh doanh và an toàn”. HÐQT MB cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng bình quân tổng tài sản tăng 14%, doanh thu tăng 22%, ROE đạt 20% và hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 9% theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
MB tăng sức cạnh tranh bền vững
Chia sẻ với cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, để thực hiện mục tiêu duy trì TOP 5 về hiệu quả kinh doanh và an toàn, MB đã xác định trọng tâm điều hành là đẩy mạnh kinh doanh số, marketing; triển khai toàn diện ngân hàng cộng đồng và SMECare; phát triển bán lẻ, dịch vụ và tiếp tục đổi mới phòng giao dịch. Năm 2019, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt 9.560 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2018; tiếp tục xây dựng các giá trị văn hóa MB, tạo sự gắn kết đội ngũ, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng.
Cũng theo ông Thái, MB đã và sẽ nỗ lực tối đa tận dụng các cơ hội thị trường để giữ vững tốc độ tăng trưởng hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, Ngân hàng sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng, kiểm soát tốt hiệu quả hoạt động tín dụng, đồng thời phát triển mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng - tài chính để tăng sức cạnh tranh bền vững. MB sẽ tiếp tục hoàn chỉnh mô hình tập đoàn tài chính trên nền tảng số hóa để tạo nên hệ sinh thái kết nối Tập đoàn, các công ty thành viên với khách hàng.
“Trong tầm nhìn của chúng tôi, đây là một giải pháp then chốt để MB phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, trở thành ngân hàng thuận tiện nhất và bền vững nhất trong cạnh tranh”, ông Thái nói.
Giai đoạn 2014-2018, MB được đánh giá là ngân hàng đảm bảo tốt nhất các quyền lợi cổ đông với chính sách trả cổ tức đều đặn hàng năm cho cổ đông. Mức cổ tức trung bình đạt 14,3%/năm, lợi nhuận đầu tư (cổ tức và cổ phiếu thưởng) bình quân đạt 18,3%/năm. Năm 2018, giá trị cổ phiếu sau chia tách tăng 2,2 lần và giá trị vốn hóa doanh nghiệp tăng 4 lần so với 2014.
"Năm 2019, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt 9.560 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2018; tiếp tục xây dựng các giá trị văn hóa MB, tạo sự gắn kết đội ngũ, tinh thần đoàn kết, kỷ luật,
đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngân hàng".
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB
Các giá trị gia tăng cho cổ đông còn được MB tạo lập thông qua việc đầu tư vào những lĩnh vực nhiều tiềm năng, chẳng hạn là đầu tư thành lập MB Shinsei - Mcredit, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas - MBAL… Bên cạnh lợi ích của cổ đông, lợi ích các đối tác góp vốn hoặc liên kết khác với MB cũng luôn được Ngân hàng đảm bảo lâu dài, bền vững như việc hợp tác với Saigon Newport, SCIC, Viettel...
“Chúng tôi luôn quan niệm rằng, đi bền với cổ đông, với đối tác chính là cách tốt nhất để đi bền trong kinh doanh và đạt hiệu quả hoạt động bền vững. Khi sự kết nối được thực hiện bằng niềm tin, bằng sự minh bạch và hiệu quả hoạt động, thì tất cả các chủ thể tham gia đều có lợi ích phù hợp trong hệ sinh thái phát triển mà MB đang và sẽ xây nên”, ông Thái chia sẻ.
Tại Ðại hội, MB vinh dự được NHNN trao quyết định cho Ngân hàng trong việc áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng kể từ ngày 1/5/2019. Theo đó, MB là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn Basel II. Việc này có ý nghĩa đặc biệt trong ngành ngân hàng, bởi yếu tố quản trị rủi ro ngày nay luôn được đặt ở vị trí quan trọng bậc nhất trong bối cảnh MB kiên định thực thi khát vọng tăng trưởng nhanh và bền vững.