Chính sách về vàng: Phải “liệu cơm gắp mắm”

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều nhu cầu khác phải cân đối, thì chính sách về thị trường vàng phải “liệu cơm gắp mắm” trên nguồn lực hiện có, lấy cân bằng vĩ mô tổng thể và đảm bảo ổn định kinh tế lên hàng đầu.
Thị trường vàng trong nước liên tục “nóng” theo diễn biến của thị trường thế giới. Thị trường vàng trong nước liên tục “nóng” theo diễn biến của thị trường thế giới.

Thời gian gần đây, thị trường vàng trong nước liên tục “nóng” theo diễn biến của thị trường thế giới. Có những bài viết phản ánh giá vàng tăng “điên loạn” dưới áp lực tăng của giá vàng thế giới cùng kỳ vọng của các nhà đầu tư. Giá vàng thế giới giao dịch ở mức cao kỷ lục 2.391 USD/ounce sáng 12/4, kéo theo giá vàng miếng SJC trong nước tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng (bán ra).

Sự biến động nhanh của giá vàng và sự chênh lệch cao của giá vàng SJC với giá vàng thế giới (có lúc lên đến 12 triệu đồng/lượng) làm xuất hiện nhiều đề xuất chính sách như thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, hút vàng trong dân ra để “hạ nhiệt” và gần đây là Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị nhập vàng.

Ngày 20/3, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, định hướng quản lý thị trường vàng là “bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thực tế của người dân”. Vậy liệu những đề xuất trên có thể hài hòa với mục tiêu này hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại những nhân tố đẩy giá vàng tăng cao.

Vì sao giá vàng tăng mạnh lúc này?

Đây là một câu hỏi không phải của người dân bình thường, mà là giữa giới chuyên gia phân tích tài chính trên thế giới với nhau. Bloomberg đã đăng hẳn một bài dài về chủ đề này, phản ánh các chuyên gia phân tích trên toàn cầu bối rối để giải thích vì sao lực mua vàng lại mạnh như vậy vào lúc này.

Ai cũng dễ dàng chỉ ra lực mua tăng mạnh từ phía các ngân hàng trung ương, đặc biệt là châu Á. Nhưng không chỉ có vậy, người mua vàng là “từ các ngân hàng trung ương đến khách hàng của Costco”, như một bài trên Wall Street Journal nhận định. Ngoài ra, trên mạng xã hội Reddit - một thời đình đám với lời kêu gọi mua các cổ phiếu meme stock như Gamestop, đẩy giá lên nhiều lần - bây giờ đã xuất hiện những lời kêu gọi tích trữ vàng.

Các tay chơi mua vàng không chỉ là những cụ ông, cụ bà mua vài chỉ vàng lận lưng, hay những nhà đầu tư nhỏ lẻ trên mạng xã hội, mà còn là những tay chơi giao dịch bằng các hợp đồng phái sinh chục triệu USD ở Mỹ và Trung Quốc. Bài của Bloomberg điểm danh các tay chơi phái sinh này gồm “ngân hàng trung ương, ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia”.

Một điều thú vị là, trong khi một số quỹ ETF ở Mỹ bán ròng vàng, thì lực mua vàng tăng mạnh ở những quỹ ETF và ETP vàng ở châu Á. Trong tuần qua, một quỹ đầu tư ETF chuyên về vàng của Trung Quốc đã phải tạm dừng giao dịch vì lực mua quá mạnh, khiến giá chứng chỉ quỹ lệch với giá trị ròng của danh mục tới… 30%.

Người mua đông đảo là điều thấy được. Nhưng vì sao người ta đồng loạt mua vàng lúc này lại là câu hỏi của giới chuyên gia phân tích. Vì sợ lạm phát, sợ bất ổn chính trị, xung đột giữa các cường quốc, mua theo đám đông, vì nhu cầu phòng tránh rủi ro... Rất nhiều lý do được đưa ra. Nhưng không ai lý giải được “vì sao là lúc này?” khi mà mọi thứ vẫn không có thay đổi nhiều so với mấy tháng trước.

Đợt tăng giá vàng này khiến “những lý giải bằng suy nghĩ thông thường bị sai”, Ole Hansen, chiến lược gia thị trường hàng hóa của Saxo Bank nhận xét.

Đó là ở chiều quốc tế. Trong nước, các nhân tố thúc đẩy người dân mua vàng được các chuyên gia đưa ra là: giá vàng tăng cùng với giá quốc tế, kênh tích lũy an toàn của người dân, lãi suất ngân hàng thấp nên người dân tìm kênh đầu tư thay thế, thị trường vàng biến động mạnh khiến một số người đổ xô mua, cung không đủ cầu, nhiều lĩnh vực kinh doanh đang đình trệ, bao gồm bất động sản, nên tiền quay vào vàng...

Khó can thiệp bình ổn diễn biến thị trường bằng ý chí chủ quan

Nếu nhìn vào những nguyên nhân trên ở cả trong nước và quốc tế, có một điểm chung: có quá nhiều bất định và sự mù mờ trong nguyên nhân cũng như lực mua vàng. Đó là những thứ có thể đảo chiều nhanh, cũng có thể tăng tốc. Và không có một lực can thiệp nào của Chính phủ đảm bảo sẽ bình ổn được những diễn biến giá vàng.

Với giá vàng quốc tế, không thể bình ổn diễn biến được tạo ra bởi những khoản đầu tư tỷ đô được hỗ trợ bằng đòn bẩy tài chính lớn của thị trường phái sinh, cũng như lực mua vàng ồ ạt ở Trung Quốc, Ấn Độ và các ngân hàng trung ương. Việt Nam chỉ có thể chấp nhận giá vàng quốc tế, chứ khó có thể ảnh hưởng tới nó.

Với giá vàng trong nước, điều Chính phủ có thể làm là can thiệp hạ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, nhưng đánh đổi là nguồn lực ngoại hối quốc gia. Vì muốn thu hẹp chênh lệch, thì phải nhập vàng về bán ra đáp ứng nhu cầu. Nhập vàng không phải là một bữa trưa miễn phí, vì phải bỏ nguồn lực ngoại tệ ra đáp ứng. Ai đảm bảo sẽ cung ứng đủ ngoại tệ, đảm bảo cân bằng được cung cầu ngoại tệ trong nước trong tình huống đầy bất định hiện nay.

Nếu làm không khéo, sốt vàng sẽ lan sang thành sốt ngoại tệ, gây bất ổn tỷ giá. Bất ổn tỷ giá có tác hại nghiêm trọng hơn sự biến động mạnh của giá vàng rất nhiều, vì tác động lên hết thảy vấn đề và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, lãi vay bằng ngoại tệ, rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp niêm yết cho đến kỳ vọng lạm phát và niềm tin vào tiền đồng - điều mà khó khăn lắm chúng ta mới giữ vững.

Nên nhìn vào bức tranh cân bằng vĩ mô tổng thể

Nhìn như vậy, có thể thấy, những chính sách hướng tới quản lý thị trường vàng an toàn, lành mạnh, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân không cần phải hướng tới bình ổn giá vàng. Thay vào đó, theo tôi, các chính sách cần hướng tới 3 nhu cầu chiến lược:

Thứ nhất, có kênh để người dân tích trữ và đầu tư vàng một cách an toàn vì đây là một lựa chọn đầu tư bảo vệ tài sản hợp pháp và chính danh của họ.

Thứ hai, phải có công cụ để phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp và người dân khi giá vàng biến động quá lớn, nhưng cũng tránh để công cụ phòng ngừa rủi ro thành công cụ đầu cơ quá đà.

Thứ ba, đảm bảo gia tăng dự trữ quốc gia phù hợp đủ để phòng chống những cú sốc về tỷ giá do nhu cầu nhập vàng tăng lên, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng.

Chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng là một nỗi lo và để một tổ chức độc quyền vàng SJC cũng không ổn. Nhưng cần làm rõ là bỏ độc quyền thì có chắc là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới hay không và liệu thu hẹp chênh lệch có phải hy sinh các mục tiêu ổn định vĩ mô khác không?

Ví dụ, nếu có tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ để nhập vàng, thì sẽ gây sức ép lên tỷ giá USD/VND, cũng như gây mất cân đối trạng thái ngoại tệ trong ngắn hạn. Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi mà chắc chắn chỉ sửa chữa mỗi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hay cho nhập vàng nhỏ giọt sẽ không giải quyết được hết vấn đề.

Vì vậy, hãy đừng xem đây là “chiếc đũa thần” để giải quyết quá nhiều thứ. Kỳ vọng quá nhiều vào những điều chỉnh chính sách về vàng có thể trở thành thất vọng khi những gì đạt được lại khác xa ảo ảnh được “vẽ” ra.

Trong bối cảnh phức tạp lúc này, những giải pháp được đưa ra còn có thể bị những tổ chức kinh doanh với động cơ không trong sáng lợi dụng để trục lợi, tạo ra những trường hợp tham nhũng chính sách, đồng thời gây tổn hại ổn định vĩ mô. Thị trường vàng là quan trọng, nhưng nó là một phần nhỏ của nền kinh tế. Vào thời điểm hiện tại, quan tâm tới bức tranh cân bằng vĩ mô tổng thể, đảm bảo quản lý thị trường vàng an toàn, lành mạnh, bền vững quan trọng hơn là tìm cách “hạ nhiệt” giá vàng, hay thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá giữa vàng trong nước và quốc tế.

Tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

a) Tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo việc làm, sinh kế cho người lao động.

b) Khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24/2012/NĐ-CP để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

d) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol (Anh)/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục