Chính sách tiền tệ và tài khóa: Hai mặt của một đồng xu
Năm 2022, lạm phát trên toàn cầu và lãi suất gia tăng ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác khiến lãi suất trong nước đi lên (các mức lãi suất chính sách tăng thêm 200 điểm cơ bản, tương ứng 2%/năm). Theo đó, chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng tăng theo (tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tăng từ 180-200 điểm cơ bản, tương ứng 1,8-2%/năm) và làm tăng chi phí vay nợ của các cá nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, sự kiện rút tiền gửi tăng đột biến trong thời gian ngắn tại SCB, sau khi cơ quan chức năng bắt giữ một số cá nhân bị cáo buộc gian lận trong các thương vụ giao dịch bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có liên quan đến ngân hàng này, khiến niềm tin vào khu vực ngân hàng và thị trường vốn bị lay chuyển.
Bên cạnh đó, sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi vào quý I/2022, tăng trưởng tiền gửi tiếp tục suy giảm trong thời gian còn lại của năm. Đến cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi mới được nâng lên để khuyến khích người dân quay lại gửi tiền, qua đó ổn định được tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức 8,5%/tháng trong tháng 11 và tháng 12.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn cao, ở mức 14,5% - làm gia tăng áp lực thanh khoản trong khu vực ngân hàng cũng như lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, nhất là trong quý IV/2022, khi các cơ quan quản lý đồng thời thắt chặt điều kiện huy động trên thị trường tài chính.
Việc suy giảm niềm tin và thắt chặt thanh khoản đã tạo ra những gánh nặng lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách ở mức 4,2% GDP, nhưng số liệu cho thấy ngân sách bội thu trong hầu hết các tháng của năm 2022, dẫn đến tổng bội thu ngân sách ước lên đến 1,4% GDP.
Bội thu là do số thu ngân sách cao hơn dự kiến (18,9% GDP) và chi tiêu thấp hơn dự toán (17,5% GDP), còn chi trả lãi nợ vay chiếm 1,1% GDP. Bội thu ngân sách cơ bản ước đạt 2,5% GDP trong năm 2022.
Bà Dorsati Madani nhận định, dư địa tài khóa có được một phần do thực hiện thấp dự toán chi đầu tư trong vài năm qua, qua đó giảm nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh từ mức đỉnh 50,9% GDP (tính theo phương pháp GFS) năm 2016 xuống còn 39,3% GDP (tính theo phương pháp GFS) trong năm 2021 - thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 60% nợ trên GDP do Quốc hội đề ra.
Cơ quan có thẩm quyền cũng thực hiện các biện pháp nhằm kéo dài kỳ hạn nợ và giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài (giảm từ 14,7% GDP năm 2021 xuống còn 12,3% GDP năm 2022).
“Trong năm 2022, do vượt thu và các vấn đề trong thực hiện ngân sách, chúng tôi ước tính tổng cân đối ngân sách sẽ bội thu một khoản 1,4% GDP. Con số này kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dư nợ được khu vực công bảo lãnh và chi trả nợ nước ngoài giảm sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ công và được khu vực công bảo lãnh xuống còn 35,7% GDP. Chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào và nợ vẫn ở mức bền vững”, bà Dorsati Madani nói.
Còn TS. Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định: “Chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả trong năm 2022 và vẫn cần thận trọng với lạm phát trong năm 2023. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến vấn đề gánh nặng lên hệ thống ngân hàng trong bối cảnh từng ngân hàng cũng chịu nhiều khó khăn. Dư địa của chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp đáng kể”.
Theo ông Cường, nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ cho phục hồi tăng trưởng mà làm tăng sức ép lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong xử lý các vấn đề của thị trường vốn, có thể gây ra nhiều hệ lụy. Do vậy, trong năm 2023, vai trò của chính sách tài khóa phải lớn hơn và đặc biệt là tăng giải ngân đầu tư công, chi tiêu của Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, phải xác định lại việc xử lý thanh khoản của nền kinh tế khi thị trường vốn không thể tự điều tiết mà không có những hệ lụy xấu.
“Sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước thông qua tài khóa, đầu tư công là cần thiết để san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng”, ông Cường nhấn mạnh.
Để nền kinh tế sôi động hơn, cần “vỗ bằng hai bàn tay” chính sách tiền tệ và tài khóa. |
Cần điều phối linh hoạt, hiệu quả
Lấy mô hình ngân hàng trung ương độc lập ở Mỹ để phân tích thêm, TS. Nguyễn Minh Cường cho biết: “Là một ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, nhưng cũng tồn tại những hạn chế”.
Theo ông Cường, kể từ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, những chính sách tiền tệ của Mỹ do Ngân hàng Trung ương đưa ra chủ yếu có tác dụng trì hoãn các cuộc khủng hoảng, rồi đẩy nền kinh tế Mỹ đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Điều quan trọng nhất của tín dụng ngân hàng là đưa dòng tiền vào sản xuất thì chưa làm được, cho dù đây không phải là nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương, mà thuộc về Chính phủ và Bộ Tài chính Mỹ.
“Dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán… và thực trạng này liên tục lặp lại trong thời gian dài. Đáng chú ý, trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến 3 cuộc khủng hoảng tại Mỹ, bao gồm: Dotcom năm 2001, nợ dưới chuẩn năm 2008 và cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngân hàng Trung ương Mỹ với tư cách độc lập đã không thể xử lý được vấn đề và đẩy nền kinh tế nước này đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác”, ông Cường nói, đồng thời cho biết thêm, chống lạm phát và ổn định hệ thống ngân hàng là cần thiết, nhưng cần song hành với đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo dòng vốn tín dụng chảy vào những lĩnh vực tạo ra năng suất lao động cao.
Chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả trong năm 2022 và vẫn cần thận trọng với lạm phát trong năm 2023. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến vấn đề gánh nặng lên hệ thống ngân hàng trong bối cảnh từng ngân hàng cũng chịu nhiều khó khăn. Dư địa của chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp đáng kể.
Thực tế là Chính phủ Mỹ đã kiểm soát, nhưng tín dụng một số ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản, chứng khoán… và điều tương tự đang diễn ra ở Việt Nam. Do đó, câu hỏi được đặt ra là cơ quan nào và làm thế nào để đảm bảo tín dụng chảy vào lĩnh vực có thể đảm bảo được tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế bền vững? Liệu đây có phải là vai trò của ngân hàng trung ương không? Cơ quan này có đủ sức để làm không?
“Mô hình quản lý tiền tệ hiện đại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song có thể khẳng định, ngân hàng trung ương cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, nhưng Bộ Tài chính cùng phải tham gia, chính sách tài khóa phải hỗ trợ kịp thời, ‘chia lửa’ với chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu chung. Hay nói cách khác, Chính phủ cần điều phối linh hoạt Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước - là đại diện cho 2 công cụ rất quan trọng của nền kinh tế là tài khóa và tiền tệ”, ông Cường nói.
Bà Dorsati Madani cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, nhưng sự hạn chế trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách này. Do đó, trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số. Những dự án này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời góp phần cho tăng trưởng trong dài hạn.
“Còn trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công là cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội theo cách có mục tiêu sẽ giúp chống đỡ hệ lụy của lạm phát đối với các hộ nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra lớp đệm chống đỡ tác động đối với tiêu dùng tư nhân”, bà Dorsati Madani phân tích.
Theo cơ sở dữ liệu chính sách tài khoá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 9/2021, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chính sách tài khóa của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức rất thấp, chỉ 1,8% GDP (chi tiêu Chính phủ và cắt giảm thuế), trong khi Singapore là 18,4%, Thái Lan là 14,6%, Indonesia là 9,3%, Trung Quốc là 4,8%, Philippines là 4,5%, Ấn Độ là 4,1%...
“Cho đến tháng 1/2022, Quốc hội đồng ý việc tăng bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa - tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, có thể lên tới hơn 320.000 tỷ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước, đã đẩy mức độ hỗ trợ của Việt Nam lên một chút, nhưng lại thực hiện quá chậm do thủ tục phức tạp. Như vậy, có thể thấy, bên cạnh số lượng, việc thực hiện nhanh và hiệu quả cũng rất quan trọng”, ông Cường nhấn mạnh.