Cơ chế, chính sách nào cho hoạt động tín dụng hợp tác xã hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế, nhiều hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm...
Toàn cảnh Hội thảo Toàn cảnh Hội thảo

Đã có 40 TCTD tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tại Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đã hình thành và phát triển gần 70 năm có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để có hiệu quả bền vững.

Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các TCTD, các Hợp tác xã.

Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các TCTD, các Hợp tác xã.

“Theo đó, căn cứ định hướng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam và trên thế giới, có thể khẳng định: Phát triển kinh tế hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Phó Thống đốc cho biết.

Cụ thể hơn, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đã có trên 40 TCTD tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ.

Về phân loại đối tượng cho vay: Dư nợ cho vay các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 52%; Dư nợ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giao thông, vận tải chiếm 15%; Dư nợ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 13%; Dư nợ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng chiếm 9,7%; Dư nợ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các lĩnh vực khác và cho vay tổ tổ hợp tác chiếm 10,3%.

Về thời hạn cho vay: vay vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), vay trung và dài hạn (33%); Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các NHTM nhà nước chiếm trên 70%; nhóm NHTM cổ phần khác chiếm 19%; nhóm khác (Ngân hàng nước ngoài, Công ty tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng Nhân dân) chiếm 11%.

Cũng theo bà Tùng, kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Thực chất tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên hợp tác xã.

“Cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp nông thôn là 2.030.0167 tỷ đồng.

Chỉ có 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương

Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về tín dụng khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhưng việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn tại các TCTD vẫn còn những tồn tại, bất cập, hạn chế.

Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam

Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam

Ví dụ như, đối với việc tiếp cận vốn từ các chính sách hỗ trợ tín dụng của nhà nước. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 được Nhà nước ban hành nhằm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên, các NHTM hầu như chưa tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn theo các Nghị định này. Điều kiện ngân hàng đưa ra là các hợp tác xã có tài sản bảo đảm thế chấp trong khi các hợp tác xã đa số không có tài sản thế chấp.

Liên quan đến tiếp cận vốn từ thị trường, theo khảo sát của hệ thống liên minh chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các TCTD, do các NHTM và các TCTD là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho vay hợp tác xã vì chi phí cho vay cao.

“Trên 80% số hợp tác xã phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng “đen” với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn. Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế, nhiều hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm ...”, ông Bằng nói.

Bà Tùng cho biết, kết quả tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nội tại hoạt động của hợp tác xã. Cụ thể, nhiều hợp tác xã còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao... nên chưa đủ cơ sở để các TCTD thẩm định quyết định cho vay.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa hợp tác xã và các thành viên còn thiếu sự gắn kết, chưa tạo động lực cho các thành viên tham gia vào hợp tác xã, nhiều thành viên của hợp tác xã tự vay vốn tại các TCTD phục vụ sản xuất kinh doanh, mua các nguyên vật liệu đầu vào thay vì thông qua hợp tác xã. Đặc biệt, một số hợp tác xã sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD…

Ông Bằng gợi ý một số giải pháp để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD.

Thứ nhất, các TCTD tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ và NHNN Việt Nam nhằm hỗ trợ tín dụng cho hoạt động hợp tác xã như chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn với 05 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TTNHNN ngày 30/12/2016.

Thứ hai, các TCTD vận dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng đối với hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp của hợp tác xã…

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, nghiên cứu và áp dụng giải pháp cho HTX vay vốn theo phương thức tín chấp danh nghĩa. Tức là hợp tác xã được chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương xác nhận hoạt động tuân thủ pháp luật, hoạt động đúng bản chất hợp tác xã, làm ăn có lãi và góp phần phát triển cộng đồng.

Thứ tư, hợp tác xã có nhu cầu vay vốn cần chủ động tìm hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về vay vốn, chia sẻ với những khó khăn, đáp ứng các điều kiện khi tiếp cận vốn. Đặc biệt các hợp tác xã cần nâng cao năng lực nội tại, minh bạch hóa các thông tin về tình hình tài chính, tài sản, hạch toán kế toán, làm tiền đề để thuyết phục các TCTD khi vay vốn…

Thứ năm, để các hợp tác xã tiếp cận, sử dụng nguồn vốn từ các TCTD có hiệu quả, cần có sự quan tâm từ các cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm đào tạo, tư vấn hỗ trợ và thực hiện kiểm toán tài chính cho hợp tác xã minh bạch hóa tình hình tài chính khi tiếp cận vốn vay…

Về phía ngành ngân hàng, bà Tùng cho biết, Cơ quan này xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tập trung 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Thứ hai, rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể.

Thứ ba, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động loại hình kinh tế tập thể là TCTD (Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân) nhằm tăng cường tín dụng của loại hình TCTD này đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, Ngành liên quan, bà Tùng kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện, trình Quốc hội Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi nhằm khắc phục tồn tại, nâng cao năng lực quản trị điều hành và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

“Ban hành các giải pháp chính sách hỗ trợ đồng bộ cho kinh tế tập thể, trong đó có giải pháp huy động nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh của hợp tác xã (huy động vốn từ thành viên, huy động vốn khác theo quy định của pháp luật, vốn tài trợ, bảo lãnh...); hoàn thiện cơ chế tăng hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh Hợp tác xã (Trung ương và địa phương)”, bà Tùng nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục