Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng!

(ĐTCK) Những con số đang cho thấy, việc điều hành lãi suất, một phần trong chính sách tiền tệ, đang đi đúng hướng. Vấn đề còn lại là thúc đẩy tăng trưởng vẫn đang tương đối thấp, có lẽ nên đi tìm một giải pháp ở một hướng khác.
Các ngân hàng sẽ tự cân đối đầu vào, chi phí, tài chính… để linh hoạt đưa ra mức lãi suất kỳ hạn ngắn Các ngân hàng sẽ tự cân đối đầu vào, chi phí, tài chính… để linh hoạt đưa ra mức lãi suất kỳ hạn ngắn

Lãi suất cần tiếp tục giảm

Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 - 1,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm; đến ngày 14/8/2014, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay VND.

Trong khi đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam của HSBC trong tháng 8/2014 vừa công bố cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên trong 9 tháng. Chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 51,7 điểm trong tháng 7 xuống còn 50,3 điểm trong tháng 8, cho thấy một mức cải thiện yếu nhất về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 11/2013.

“Tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất tiếp tục chậm lại trong tháng 8 và là tháng chậm nhất trong 11 tháng vừa qua”, Báo cáo PMI viết.

Nguyên nhân làm cho sản lượng tăng yếu, theo Báo cáo PMI, là do số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm làm cho lượng công việc tồn đọng giảm trong suốt 4 tháng qua, mặc dù mức độ giảm chỉ là nhỏ. Lượng công việc mới giảm đi cũng đã ảnh hưởng tới mức tồn kho hàng thành phẩm và mức tồn kho này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng.

Trước đó, Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) nhận định, trong hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay, tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. UBGS dự báo, lạm phát sẽ tiếp tục ổn định đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%. Và với mức lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.

NHNN không thay đổi trần lãi suất

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29/8 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, từ giữa tháng 8/2014, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất huy động xuống dưới 6%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Các mức lãi suất điều hành hiện nay chỉ quy định trần huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 6%/năm, còn với kỳ hạn trên 6 tháng, các ngân hàng tự thoả thuận với khách hàng.

“Các ngân hàng sẽ tự cân đối đầu vào, chi phí, tài chính… để linh hoạt đưa ra mức lãi suất kỳ hạn ngắn và giữ nguyên trung - dài hạn. Lãi suất huy động trên 6 tháng vẫn giữ ổn định. Các ngân hàng giảm lãi suất huy động dưới mức trần, cho thấy, lãi suất được quyết định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường”, bà Hồng phân tích.

Về khả năng điều chỉnh trần lãi suất, bà Hồng cho biết, còn phụ thuộc vào diễn kinh tế vĩ mô và lạm phát. “Thời điểm hiện tại, NHNN chưa điều chỉnh mức trần lãi suất và từ nay đến cuối năm sẽ giữ ổn định. Với mức kỳ vọng lạm phát cả năm 2014 khoảng trên 5% thì mức trần lãi suất 6% như hiện tại là phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích người gửi và vay tiền. Tính chung năm 2014, mức lãi suất cho vay theo tính toán sẽ giảm khoảng 1 - 1,5 điểm phần trăm”, bà Hồng nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh khoản hệ thống đang có dôi dư nhưng chỉ là tạm thời, vẫn còn những TCTD thiếu hụt thanh khoản nên NHNN không thể hạ trần lãi suất huy động.

Chi phí vốn hiện tại của các TCTD là hợp lý

Chia sẻ với ĐTCK, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, việc NHNN giữ nguyên trần lãi suất 6%/năm nên được hiểu là thanh khoản thị trường còn chưa tốt.

Ông Quang phân tích, NHNN vẫn giữ mức lãi suất cơ bản của VND là 9% nhưng thật ra đây không còn là lãi suất điều hành, thay vào đó, NHNN đưa ra mức trần lãi suất huy động ngắn hạn dưới 6 tháng (vốn chiếm một tỷ trọng huy động lớn nhất trong cơ cấu huy động của toàn thị trường do thói quen gửi tiết kiệm của người dân vẫn là ngắn hạn) như một định hướng điều hành lãi suất. Song song với mức lãi suất này, NHNN cũng linh hoạt áp dụng lãi suất thị trường mở OMO, hiện ở mức 5%, là một kênh hiệu quả để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.

“Như vậy, việc giữ nguyên trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay cho thấy rõ xu hướng điều hành lãi suất hiện chưa có thay đổi, các mức chi phí vốn hiện tại của các TCTD là hợp lý. Các TCTD có thể tiếp tục cắt giảm chi phí, tính toán biên lợi nhuận theo hướng chia sẻ khó khăn với DN, kết hợp nhiều nguồn huy động khác (tiền gửi không kỳ hạn, vay liên ngân hàng trong và ngoài nước…) để giảm thêm lãi suất cho vay”, ông Quang nói.

Tất nhiên, trong toàn hệ thống đến hơn 90 TCTD đang hoạt động, không thể có chuyện sức khỏe của tất cả các TCTD đều tốt như nhau. Mỗi TCTD có những chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng khác nhau và do vậy, việc quyết định huy động ở mức giá nào cũng sẽ khác nhau.

“Việc xác định mức độ thanh khoản của một TCTD còn phải xem xét đến chất lượng chung của toàn bộ danh mục cho vay và đầu tư chứ không phải chỉ nhìn vào lãi suất huy động thấp hay cao hơn một ít”, ông Quang nói.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, NHNN điều hành trần lãi suất mang tính chất định hướng, tối đa ở mức như hiện nay nhưng chi tiết hơn là do các ngân hàng tự quyết định.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB chia sẻ: “Nếu DN đang vận hành hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường, có thị trường cho sản phẩm thì lãi suất ngân hàng không phải là vấn đề. Khi không cần thì 1 đồng cũng đắt nhưng khi cần thì 2 đồng cũng rẻ”.

Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, lãi suất phải đáp ứng được kỳ vọng của nền kinh tế, nếu thấp quá người dân không chấp nhận sẽ tạo nên nhiều hậu quả tiêu cực và thực tế lãi suất hiện đang tạo sự cân bằng tương đối giữa lợi ích người gửi tiền và ngân hàng.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam) nhận định: “Theo tôi, NHNN không cần thiết phải điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động hiện nay mà nên để thị trường tự điều chỉnh theo cung - cầu. Việc lãi suất tiền gửi giảm xuống thấp hơn mức trần hiện nay chính là tín hiệu tốt phản ánh thanh khoản các ngân hàng được cải thiện và trần lãi suất đóng vai trò đúng là trần lãi suất”.            

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục