Chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc có thể mang lại nhiều tổn thất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một cựu quan chức ngân hàng trung ương cảnh báo, Trung Quốc sẽ có nguy cơ “thiệt hại kinh tế lớn” nếu họ cố gắng kiềm chế bong bóng tài sản thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc có thể mang lại nhiều tổn thất

Đây cũng là đề tài tranh luận sôi nổi trên thị trường tài chính trong năm nay.

Sheng Songcheng, cựu Giám đốc bộ phận thống kê và phân tích của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, việc giám sát thị trường chặt chẽ sẽ tốt hơn so với các biện pháp thắt chặt chính sách để giảm đầu cơ vào tài sản tài chính.

Chỉ số CSI 300 (Nguồn: Shenzhen Stock Exchange)

Chỉ số CSI 300 (Nguồn: Shenzhen Stock Exchange)

Chỉ số CSI 300 đã giảm khoảng 15% kể từ mức cao nhất vào giữa tháng 2, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. Lý giải điều này một phần là do ảnh hưởng từ sự lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc cũng như cảnh báo bóng bóng tài sản từ người đứng đầu cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc trong những tuần vừa qua.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu PBOC sẽ thắt chặt thanh khoản trong năm nay khi một quan chức cấp cao của ngân hàng đã thúc đẩy thị trường bán tháo vào tháng 1 bằng cách kêu gọi thắt chặt tiền tệ để hạn chế bong bóng trên thị trường tài sản và cổ phiếu.

Guo Shuqing, người đứng đầu cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc và là quan chức hàng đầu của Đảng cộng sản tại PBOC đã đưa ra cảnh báo về rủi ro bong bóng toàn cầu trong tháng này, đây là dấu hiệu mà các nhà đầu tư coi là tín hiệu về việc tăng lãi suất trong tương lai.

Những nhận xét của ông Sheng hoàn toàn trái ngược với những quan điểm đó. Ông nói trong một văn bản trả lời các câu hỏi từ Bloomberg News rằng: “chính sách tiền tệ thắt chặt không thể ngăn chặn bong bóng tài sản một cách hiệu quả, nhưng sẽ làm vỡ bong bóng và mang lại thiệt hại kinh tế lớn”.

Cựu Giám đốc ngân hàng trung ương chỉ ra một loạt chính sách có thể được áp dụng tại các thành phố của Trung Quốc nhằm kiểm soát việc tăng giá bất động sản bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để hạn chế người mua nhà và hạn chế đầu cơ thị trường tài chính.

Ông Sheng cho biết, chính sách tiền tệ không nên thắt chặt trong thời gian tới một phần vì tốc độ tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Đồng nhân dân tệ mạnh hơn

Với việc các nền kinh tế lớn khác vẫn dựa vào chính sách tiền tệ nới lỏng để vực dậy tăng trưởng kinh tế, việc PBOC thắt chặt sẽ gây ra một dòng vốn đầu cơ lớn, đẩy giá đồng nhân dân tệ lên cũng như làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu và cũng có thể gây ra lạm phát, bong bóng tài sản.

Để giảm áp lực tăng giá đối với tiền tệ, Bắc Kinh đã ra hiệu giảm dần các biện pháp kiểm soát đối với dòng vốn chảy ra. Cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc vào tháng trước cho biết họ đang xem xét cho phép người dân đầu tư vào chứng khoán ở nước ngoài, trong khi tuần trước PBOC cho biết sẽ cho phép các công ty được chọn giao dịch ngoại tệ dễ dàng hơn.

Ông Sheng cho biết, Bắc Kinh nên nới lỏng các giới hạn đối với đầu tư kinh doanh ra nước ngoài, chẳng hạn như mua bán và sáp nhập, để tạo ra nhiều dòng vốn ra hơn và “khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc ‘vươn ra toàn cầu’, đầu tư vào các công nghệ, tài nguyên và năng lượng tiên tiến”.

Được biết, Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế nặng nề đối với đầu tư ra nước ngoài vào năm 2016 vì lo ngại về vốn bay, khiến giá trị hàng năm của các giao dịch ra nước ngoài giảm mạnh.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục