Chính sách tài khóa và tiền tệ cần hợp lực nhiều hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, không nên bàn đến việc có điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2022 nữa hay không, mà là chính sách tài khoá cần chung sức, chung vai nhiều hơn với chính sách tiền tệ.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần song hành hai chính sách là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Ảnh: Dũng Minh Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần song hành hai chính sách là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về việc khó vay vốn do ngân hàng bị hạn chế room tín dụng, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Nhìn trong tổng thể, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% đã được tính toán dựa trên các chỉ tiêu pháp định về lạm phát 4% và tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5%. Chúng ta cũng cần lưu ý về thời điểm đưa chỉ tiêu room tín dụng là việc đánh giá sức phục hồi kinh tế Việt Nam chưa được rõ ràng như bây giờ. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế đang rất mạnh mẽ, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất - kinh doanh rất nhiều, nên sức ép, căng thẳng về tín dụng lớn.

Việc các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tăng là đúng với tình hình thực tế, bởi sau thời gian gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mạnh mẽ hơn so với trước là một chuyện, ngân hàng có thể cho vay hay không là một chuyện khác và không liên quan đến room tín dụng.

Tôi đồng tình với các ngân hàng trong việc cân nhắc cẩn trọng các vấn đề trước khi cho vay, đặc biệt liên quan đến nợ xấu, bởi chất lượng tài sản của các doanh nghiệp chưa thể như trước đại dịch. Doanh nghiệp lúc nào cũng muốn được vay vốn một cách nhiều nhất và thời điểm hiện tại, doanh nghiệp còn có mục tiêu phải bằng mọi cách khôi phục hoạt động.

Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến thủ tục. Các doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo hoàn tất được các thủ tục của hệ thống ngân hàng mới có thể tiếp cận nguồn vốn. Thực tế, các ngân hàng đều có hệ thống khách hàng và đánh giá tín nhiệm đối với từng khách hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng biết được là khách hàng nào có thể cho vay được. Do vậy, những doanh nghiệp nào kêu khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nên xem lại chính hoạt động của doanh nghiệp mình trước.

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, khoảng 18 ngân hàng thương mại được nới hạn mức tín dụng trong đợt vừa qua, giúp tổng tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13% vào cuối năm, tiệm cận với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông, có cần điều chỉnh room tín dụng nữa hay không?

Chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ.

Áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế hiện rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Trên thực tế, chỉ tiêu này cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả 2 năm 2020, 2021 lần lượt là 12,17% và 13,61%.

Tôi cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần song hành hai chính sách là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Hiện sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều. Chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ, tạo ra sự không lành mạnh trong hệ thống tài chính và rủi ro về chính sách.

Tôi muốn đề cập vấn đề rộng hơn, đó là chương trình hỗ trợ lãi suất. Đây là sự kết hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, nhưng bài học của chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 cho thấy, không có sự phối hợp giữa hai chính sách nên chương trình đã thất bại. Trở lại câu chuyện hiện tại, chính sách tài khoá đang có dư địa và hỗ trợ chính sách tiền tệ thông qua hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng việc phối hợp hai chính sách trong quá trình thực hiện trên thực tế là hạn chế, dẫn đến việc triển khai chưa được như kỳ vọng. Và sức ép đè lên chính sách tiền tệ, cuối cùng tạo ra rủi ro rất lớn cho nền kinh tế khi trước mắt chỉ hướng đến câu chuyện room tín dụng.

Chúng ta cần nhìn vào bài học cũ để rút kinh nghiệm cho hiện tại. Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ để giảm bớt sức ép, nhưng trên thực tế vẫn chưa làm được. Do vậy, theo tôi, không nên bàn đến việc có điều chỉnh room tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2022 nữa hay không, mà là chính sách tài khoá cần chung sức, chung vai nhiều hơn. Nếu đề cập đến room tín dụng, có lẽ chúng ta nên hướng đến việc điều hành room tín dụng cho năm 2023 sẽ như thế nào?

Trên cơ sở những dữ liệu hiện có để dự đoán cho kinh tế năm 2023, theo ông, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ như thế nào?

Trần tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành rất linh hoạt, khi cơ quan này phải cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là một trọng trách khó khăn, đòi hỏi các biện pháp khác nhau cùng phải được triển khai và những gì chúng ta chứng kiến cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý linh hoạt để đảm bảo hài hoà các mục tiêu.

Tôi lấy ví dụ, điều hành tỷ giá cũng rất quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, trong khi chính sách tỷ giá liên quan chặt chẽ đến chính sách room tín dụng. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước đã hút vốn khả dụng dư thừa, ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng cách bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần làm chậm mức tăng tổng phương tiện thanh toán xuống 9,2% so với mức 14,2% trong 6 tháng đầu năm 2021. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu kiểm soát tác động của USD tăng giá bằng cách bán khoảng 7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022 để ổn định tỷ giá hối đoái, giúp tiền đồng chỉ giảm giá ở mức 2% so với USD và tiền đồng ổn định hơn so với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á.

Liên quan đến room tín dụng cho năm 2023, các ngân hàng đều biết phải đảm bảo các chỉ tiêu của cơ quan quản lý mới được cấp room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước có đủ dữ liệu để biết các ngân hàng đảm bảo được an toàn vốn ở mức độ nào. Do đó, thay vì nâng trần tín dụng một cách chung chung, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phân bổ tỷ lệ tín dụng khác nhau cho các ngân hàng. Đây cũng là cách thức điều hành tương đối linh hoạt.

Dự báo của ADB trong năm 2023 với GDP tăng trưởng 6,7% và lạm phát khoảng 4% thì trần tín dụng có thể trong khoảng 14 - 15%.

Theo ông, điều hành tín dụng bằng các biện pháp thị trường thay vì biện pháp hành chính là điều nên triển khai thời điểm hiện nay?

Các ngân hàng trung ương chủ yếu điều hành thông qua chính sách lãi suất nhằm điều chỉnh và can thiệp vào thị trường, việc sử dụng trần tín dụng tương đối ít, nhưng điểm khác biệt đó là ngân hàng trung ương các nước điều hành độc lập với chính phủ, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có sự độc lập này. Diễn biến kinh tế thế giới cho thấy, giữa tăng trưởng và lạm phát, các quốc gia sẽ lựa chọn bằng mọi giá kiểm soát lạm phát.

Do đó, trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng, với trọng trách kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua các biện pháp, trong đó có điều hành tín dụng là hợp lý. Về lâu dài, sẽ cần cân nhắc và có lộ trình tách dần chính sách điều hành thông qua room tín dụng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm hiện nay, đây là công cụ vẫn hiệu quả.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục