Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp trên cả nước, các hiệp hội ngành nghề cũng lên tiếng đề xuất kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng.
Hiệp hội Dệt-May Việt Nam (VITAS) vừa gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vaccine.
Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký kết đơn hàng đến hết năm, nếu không sản xuất và giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt hoặc hủy. Khi đó mức độ thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD thêm vào đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Cụ thể, việc một doanh nghiệp bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày sẽ khiến kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn và doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.
Trước đó, để hỗ trợ DN ổn định sản xuất trong tình hình mới, VITAS cũng đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng nguồn từ các gói hỗ trợ chưa sử dụng hết (mới sử dụng khoảng 20%), để hỗ trợ cho DN và người lao động, với các điều kiện dễ tiếp cận hơn và kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm nay.
Trong đó, tiếp tục giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước, giãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các DN khó khăn đến hết năm 2021.
VITAS cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có chính sách giảm phí đường bộ, phí BOT, phí hạ tầng cảng biển.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và nhân công, người lao động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giảm đơn hàng-giảm sản lượng hay trì hoãn, giãn tiến độ, huỷ dự án đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp đều phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc hoặc ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch.
Do đó, không ít doanh nghiệp chia sẻ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh, đứng trước bờ vực phá sản…
Theo VCCI, đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai.
Đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn.
Trong đó, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19…
VCCI cho rằng, cần chính sách tạo thuận lợi hơn cho các DN tư nhân Việt Nam, giúp họ trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19. Đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025.
Theo ông Tuấn, hầu hết doanh nghiệp cho rằng các giải pháp được đề xuất đã được các cơ quan Nhà nước đề cập tới trong các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, mối quan tâm của các doanh nghiệp lớn nhất vẫn là khía cạnh về thuế, phí và tiếp cận tín dụng.
Ngân hàng dư vốn, nhưng lại khó mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Minh chứng, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vừa phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra, vừa phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ khiến việc huy động số tiền lớn đóng thuế gặp khó khăn.
Đặc biệt, họ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó. Tăng thủ tục hành chính cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế.
Do đó, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đề nghị sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu..
Trước đó, với nỗ lực tiếp nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Đây là lần thứ ba Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế lần này sẽ lên tới 115.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng đây là việc gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 sẽ không giảm, do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm.
Nhiều ý kiến đã đề xuất thêm ngoài những quyết sách hỗ trợ trên thì việc ổn định môi trường chính sách đồng thời không tăng thuế, không ra những sắc thuế mới cần tiếp tục duy trì.
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể xem xét đến một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề cần giải quyết lúc này là một số cơ quan thực thi chính sách phải nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định.
Theo khảo sát của VCCI, khó khăn lớn nhất với DN tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng lần lượt là: tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%).
Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với DN FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).
Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% DN tư nhân và 22% DN FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%.