Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thay vì hỗ trợ cầm cự

0:00 / 0:00
0:00
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển, thay vì hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thưa ông, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư đang rất phức tạp. Sức khỏe doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực rơi vào trạng thái bấp bênh và họ đang nói nhiều về các gói hỗ trợ mới…

Năm ngoái, khi Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã có các gói chính sách hỗ trợ, từ giãn thời gian nộp các loại thuế, giãn thời gian trả nợ vay, đến hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động… Mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp vào thời điểm dòng tiền bị đứt gãy.

Hiện tại, Chính phủ cũng đã có chính sách tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, quy định mới về những khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên, mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển…

Nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, cho lao động nghỉ việc?

Sau một năm chịu tác động của Covid-19, tình hình doanh nghiệp rất khác.

Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải giảm số lao động, thậm chí đã đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác. Thực tế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức…

Người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới.

Trong tình hình như vậy, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi.

Cụ thể, tập hợp các giải pháp chính sách lần này nên tập trung vào những nội dung gì?

Thứ nhất, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Để làm được việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò lớn trong việc rà soát, đề xuất các giải pháp mới phù hợp. Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…, có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không… để có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung.

Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.

Thứ hai, đây chưa phải là lúc khuyến khích đầu tư, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa. Nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh.

Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ chung chung.

Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động.

Quan điểm của tôi là cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái.

Nếu có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của Covid-19, thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ cầm cự.

Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng, trong đó có các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Quan điểm của ông về động thái này, khi việc đó có thể ảnh hưởng đến cơ hội phục hồi của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan?

Quan điểm của tôi là cần thiết. Đang có những tín hiệu cho thấy tỷ lệ tín dụng vào lĩnh vực này ở mức quá cao, có thể gây rủi ro.

Tất nhiên, các dự án bất động sản đang được triển khai xây dựng, những người đang có nhu cầu mua nhà thực là đối tượng được hỗ trợ để thực hiện. Các tổ chức tín dụng có đủ năng lực để đánh giá khách hàng của mình.

Ở đây, cũng phải nhắc lại yêu cầu gỡ các nút thắt trong hoạt động đầu tư - xây dựng, để các dự án thực sự thuận lợi trong triển khai.

Còn yêu cầu thận trọng, siết tín dụng vào bất động sản là với các hoạt động có yếu tố đầu cơ, găm giữ đất đai, tìm kiếm địa tô. Trong bối cảnh này, tiền cần phải được dành để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục