Chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 lần 2: Bao quát toàn diện, đảm bảo đa mục tiêu

Các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 lần 2 cần được thiết kế và ban hành sớm để có hành động kịp thời “cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp”.
Hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và cần hỗ trợ. Ảnh: Đức Thanh

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế của các chính sách hỗ trợ lần 1

Hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua chỉ ở mức vừa phải là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế tại một cuộc họp được tổ chức gần đây do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dẫn chứng, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng mới triển khai được hơn 11.000 tỷ đồng - tỷ lệ quá thấp. “Có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ”, ông Thành nói.

Điều này cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận và nêu rõ trong báo cáo tại cuộc họp này. Tuy nhiên, một nguyên nhân khách quan cũng được cơ quan này chỉ ra là số lượng lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lớn hơn nhiều so với dự kiến của chính sách (khoảng 30 triệu người bị ảnh hưởng, gần 8 triệu người mất việc làm).

Theo phân tích của Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng, do công tác tổ chức triển khai thiếu quyết liệt.

Các chuyên gia cho rằng, cần có tổng kết đầy đủ về kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần 1 để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Gia hạn chính sách cũ, thiết kế chính sách mới đủ mạnh

Trong Báo cáo Điểm lại công bố cuối tháng 7, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm nay.

Với tình hình hiện nay, dự báo phải mất 2 - 3 năm mới phục hồi được. Nếu chính sách không kịp thời, thì mất 4 - 5 năm, kéo lùi đất nước chúng ta. Như vậy, kế hoạch 5 năm tới phải điều chỉnh với chính sách đủ mạnh, nhanh chóng, có hành động đặc biệt. Kinh nghiệm quốc tế là đưa ra chính sách lớn, ban hành nhanh, dám vượt qua kỷ luật tài chính. Chúng ta cũng phải quán triệt, phải có hành động ngay để cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia kinh tế đều khá thận trọng trước dự báo này. “Khả năng tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt mức dương là khó khăn”, TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Góp ý xây dựng các giải pháp, chính sách lần 2, ông Sinh nhấn mạnh quan điểm rằng, nền kinh tế cần phải “cầm cự” để sẵn sàng phục hồi hậu Covid-19, phải hỗ trợ người dân, kích thích tiêu dùng, giảm thiểu giải thể, phá sản doanh nghiệp. “Chính sách mà Nhà nước mất đi một ít, nhưng doanh nghiệp được thì nên làm”, ông Sinh nói.

Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, trong năm 2020, có khả năng huy động được tổng mức hỗ trợ lần 2 khoảng 70.000 - 90.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn còn lại của các chính sách, giải pháp hỗ trợ lần 1 là khoảng 45.000 tỷ đồng, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 25.000 - 27.000 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021, bao gồm toàn bộ chính sách tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP như tiếp tục gia hạn nộp thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…).

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, khủng hoảng do dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến cầu, mà còn làm đứt gãy nguồn cung. GS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần đưa ra giải pháp tác động cả cung lẫn cầu. Ông nhận định, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng tác động lên cả phía cung và cầu, giúp phục hồi tiêu dùng và sản xuất, giảm chi phí sản xuất.

Đưa ra quan điểm để xây dựng gói chính sách lần 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Về nguyên tắc, chính sách lần này phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu, chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Ông Dũng cho rằng, các bộ, ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện, đầy đủ mới dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực. Cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng. Cần tính toán các biến số có độ bao phủ rộng hơn, xây dựng một mô hình đầy đủ, tính toán các yếu tố tác động. Từ đó, đưa ra được các chính sách hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng để phát huy hiệu quả lớn nhất.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục