Chính quyền mới Philippines đối mặt với thách thức và cơ hội kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền mới của Philippines sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế khi nhậm chức vào ngày 30/6 tới. Tuy nhiên, có nhiều lý do lạc quan để tin tưởng rằng Philippines sẽ giải quyết được những khó khăn này.
Ông Ferdinand Marcos Jr. tại cuộc vận động tranh cử ở tỉnh Bulacan, Philippines hôm 8/2. (Ảnh: Reuters). Ông Ferdinand Marcos Jr. tại cuộc vận động tranh cử ở tỉnh Bulacan, Philippines hôm 8/2. (Ảnh: Reuters).

Đây là tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nhóm đặc trách kinh tế trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr (“Bongbong” Marcos Jr).

Trong số những thách thức mà chính quyền mới phải đối mặt là chiến lược kiểm soát hoàn toàn Covid-19, giá dầu tăng cao, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh do tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Phát biểu sau cuộc gặp nhóm Nội các kinh tế, Tổng thống đắc cử Marcos Jr nhấn mạnh, chính quyền mới được kế thừa nền tảng kinh tế vững mạnh. Con đường phía trước sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chính quyền mới có đủ khả năng và sức mạnh cần thiết để đối phó với những thách thức.

Triển vọng kinh tế sáng trong khu vực

Nền kinh tế Philippines đang vượt trội so với các nước láng giềng, tăng 8,3% trong quý đầu tiên của năm 2022, vượt qua Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Bị tác động của đại dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực sản xuất cũng đang hoạt động tích cực với Chỉ số nhà quản trị mua hàng S&P Global Philippines đạt 54,1% vào tháng 5 năm nay - mức cao nhất trong hơn 4 năm qua.

Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tăng lên, tâm lý người tiêu dùng được dự báo sẽ đạt 30,4% trong 12 tháng tới, trong khi chỉ số niềm tin kinh doanh dự kiến đạt 69,8% trong cùng kỳ sau khi tăng lên 59,7% trong quý 2 năm 2022.

Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Philippines đang “tăng vọt” với dòng vốn ròng tăng 8% lên 1,71 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022, sau khi đạt mức cao kỷ lục 10,5 tỷ USD vào năm 2021. Tiêu dùng hộ gia đình tăng 10,1%, trong khi tiêu dùng của chính phủ tăng 3,6%; xuất khẩu và nhập khẩu cũng được cải thiện lần lượt là 10,3% và 15,6%. Tình hình việc làm cũng "được cải thiện đáng kể", với 1,5 triệu việc làm mới được tạo ra trong tháng 2 và tháng 3 năm nay.

Đầu tư nước ngoài

Philippines sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài với việc chính quyền hiện tại ban hành sửa đổi Đạo luật tự do hóa thương mại bán lẻ, Đạo luật đầu tư nước ngoài và Đạo luật dịch vụ công. Với sự tạo đà của những cải cách thuế hiện nay, chính quyền mới sẽ kiểm soát một hệ thống thuế tốt hơn.

Trong 6 năm qua, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng theo chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”, được đánh giá là thời kỳ hoàng kim của cơ sở hạ tầng quốc gia. Tổng cộng 88 dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu sẽ hoàn thành vào năm 2023 và nhiều dự án sẽ tiếp tục được thực hiện.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos khi đó ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte đã làm hồi sinh sự phát triển cơ sở hạ tầng và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Mặc dù đối mặt với hàng loạt thách thức nhưng Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền mới Benjamin Diokno nhấn mạnh, chính quyền mới sẽ được hưởng lợi đáng kể từ chính sách của chính phủ tiền nhiệm. Sự chuyển đổi trong quản lý sẽ mở đường cho nhiều lợi ích kinh tế hơn cho người dân quốc gia Đông Nam Á này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chia sẻ quan điểm về triển vọng kinh tế thuận lợi của Philippines so với các nước trong khu vực. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của mình, IMF dự báo Philippines sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong năm nay ở mức 6,5%.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục