Chính phủ Trung Quốc tăng ảnh hưởng lên các hãng công nghệ lớn

Lãnh đạo của một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang điều động nhiều quan chức đến 100 tập đoàn địa phương, trong đó có hãng thương mại điện tử Alibaba.
Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters.
Theo Bloomberg, đây là nỗ lực mới nhất nhằm tăng sức ảnh hưởng lên khu vực tư nhân khổng lồ của chính phủ Trung Quốc.
Cụ thể, Hàng Châu, thành phố ở phía đông tỉnh Chiết Giang, đang phân công nhiều đại diện chính phủ đến các dự án liên lạc và xúc tiến đầu tư. Công ty thức uống Hangzhou Wahaha, nhà sản xuất ô tô Zhejiang Geely và không ít doanh nghiệp khác có trụ sở tại khu vực này được quan chức Trung Quốc ghé thăm.
Chính quyền Hàng Châu cho hay sáng kiến là để làm dịu dòng chảy công việc giữa các quan chức, doanh nghiệp công nghệ cao và nhà sản xuất.
Động thái này cũng có thể được xem là nỗ lực quản lý khu vực tư nhân vốn đã và đang là động lực đáng kể cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Các đại diện của hệ thống an ninh công đã có mặt tại nhiều hãng internet lớn của Trung Quốc, chịu trách nhiệm phòng chống tội phạm và dập tan tin đồn sai lệch.
Nhiều cơ quan chính phủ cũng có thể tăng cường giám sát khu vực tư nhân rộng lớn trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tăng khả năng cắt giảm việc làm giữa lúc nhiều doanh nghiệp cố duy trì lợi nhuận kinh doanh.

"Dù Trung Quốc công nhận chủ nghĩa tư bản, sức ảnh hưởng của chính phủ không bao giờ biến mất. Thỉnh thoảng giới doanh nhân tư nhân quên điều này và được nhắc nhở", Paul Gillis, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Chiết Giang được xem là cái nôi của doanh nghiệp tư nhân hiện đại Trung Quốc, là nhà của một thế hệ tỉ phú tự thân từ Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba cho đến Li Shufu, nhà sáng lập hãng xe Geely.

Song mối quan hệ giữa Bắc Kinh và một số doanh nhân nổi tiếng vẫn còn khá nhạy cảm.

Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố tăng sự hiện diện chính thức trong các hãng tư nhân, bằng cách quy định quy mô thành lập và duy trì một tổ chức của Đảng trong doanh nghiệp.

Hiện không rõ liệu 100 doanh nghiệp được nhắm đến lần này có công ty nước ngoài hay không. Alibaba lên tiếng cho hay:

"Chúng tôi hiểu sáng kiến từ chính quyền Hàng Châu là để thúc đẩy môi trường kinh doanh tốt hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp có trụ sở tại đây. Đại diện chính phủ sẽ đóng vai trò là cầu nối cho khu vực tư nhân và không can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp".

Brock Silvers, chuyên gia tại hãng Kaiyuan Capital, cho rằng động thái này cũng là cách để chính phủ Trung Quốc làm giảm sự ì ạch trong tăng trưởng kinh tế vốn một phần xuất phát từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông Silvers cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ sớm có chính sách tương tự với các lĩnh vực khác.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục