Chính phủ trình Quốc hội duyệt Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 43.734 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, được chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Chính phủ trình Quốc hội duyệt Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 43.734 tỷ đồng

Chính phủ vừa có Tờ trình số 424/TTr - CP gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku với mục tiêu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới, chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ của Dự án là khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92 ha (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31 ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha.

Số hộ bị ảnh hưởng của Dự án là khoảng 491 hộ; thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến quy mô 4 làn xe theo quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 43.734 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Dự án dự kiến tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2025, hoàn thành công trình trong năm 2029.

Tại Tờ trình số 424, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khoảng 257,35 ha để thực hiện Dự án; giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xác định số liệu chính xác để thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

Dự án đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1: đoạn qua tỉnh Bình Định từ Km0+000 – Km40+000 có chiều dài khoảng 40 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 18.054 tỷ đồng; Dự án thành phần 2: đoạn qua tỉnh Gia Lai từ Km40+000 - Km125+000 có chiều dài khoảng 85 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.680 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1; UBND tỉnh Gia Lai là cơ quan chủ quản Dự án thành phần 2.

Dự án có vai trò quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung; quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ Dự án như tiến độ dự kiến, cần thiết phải áp dụng một số chính sách đặc thù, đặc biệt.

Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định cho một số dự án đường bộ cao tốc, dự án đường sắt và đặc điểm của Dự án, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách, trong đó có: 3 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; 5 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và 1 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Được biết, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ; là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn; kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Hiện nay, hạ tầng giao thông đường bộ kết nối từ Gia Lai, Kon Tum xuống Bình Định thông qua Quốc lộ 19 là ngắn nhất.

Mặc dù Quốc lộ 19 mới được đầu tư nâng cấp,cải tạo cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cấp III, tuy nhiên trên tuyến có 2 vị trí là đèo An Khê và đèo Mang Yang quanh co, hiểm trở nên việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua hệ thống cảng biển Bình Định bị hạn chế, tốc độ bình quân chỉ đạt khoảng 40 - 50 km/h, thời gian vận tải từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến TP. Pleiku (tinh Gia Lai) mất khoảng 3,5 giờ - 4 giờ.

Theo dự báo, đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang kết nối Gia Lai với Bình Định trung bình khoảng 16.000 - 23.000 xe quy đổi/ngày đêm; trong khi Quốc lộ 19 hiện hữu chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 - 12.800 xe quy đổi/ngày đêm.

Do vậy, việc sớm hình thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tốc độ cao, an toàn, năng lực thông hành lớn là cần thiết, làm tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục