Thúc giải ngân
Cụ thể, khi đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 2 này, Chính phủ nhận thấy tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nghịch lý ở chỗ trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, thì tổng dư nợ tín dụng tính đến thời điểm này giảm.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nên cho biết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm mục tiêu dư nợ tín dụng đề ra phân bổ đều trong các tháng, không để tình trạng đầu năm thư thả, nhưng cuối năm vội vã. NHNN phối hợp với Bộ NN&PTNT có Chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp với quy mô, đối tượng, thời hạn hợp lý và lãi suất thấp. NHNN phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu của các tổ chức tín dụng và DN, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) diễn biến thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây, ông Nên cho hay, khi lý giải nguyên nhân diễn biến này, các nhà tư vấn của Chính phủ thiên về nguyên nhân hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý, chứ không hẳn do sức cầu yếu.
Giảm thêm lãi suất
Để giải tỏa tình trạng tiền ế, Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm điều tiết lượng cung tiền hợp lý để kiểm soát lạm phát thấp hơn khoảng 6% trong năm 2014. Trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…