Sự đo lường này không phải lần đầu mới có, thậm chí còn là một trong những tiêu chí để Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng môi trường kinh doanh thường niên trong Báo cáo Doing Business, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn thực hiện.
Lần này, Chính phủ quyết định tìm hiểu, thu thập, tính toán, công bố các gánh nặng tài chính và thời gian mà doanh nghiệp đang phải gánh.
Thông điệp gửi đi chắc chắn không chỉ là sự chủ động cập nhật thông tin từ Chính phủ, sự chia sẻ với gánh nặng chi phí mà doanh nghiệp đang mang, sự ghi nhận các nỗ lực cải cách mà các ngành, địa phương đang thực hiện, thông qua những thứ hạng tốt...
Có lẽ phải nhắc lại một số kết quả mà Chỉ số APCI thu thập được.
Để thực hiện 1 thủ tục về thuế, doanh nghiệp chỉ mất có chưa đầy 3 giờ với gần 74.000 đồng; nhưng với nhóm thủ tục về xây dựng, thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra 108,9 giờ và 64,1 triệu đồng. Trong số các địa phương có chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tốt nhất, không có tên các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Những kết quả này hẳn không xa lạ với giới kinh doanh, bởi họ là người cung cấp các số liệu đầu vào này, cũng là người phải đối mặt trực tiếp với các khoản chi phí trên.
Nhưng giới kinh doanh rất muốn đặt câu hỏi, rằng lãnh đạo, chuyên viên các bộ, ngành, địa phương có cảm nhận gì, có thấy cần phải làm gì khi nhìn vào các con số này?
Có bộ, ngành, địa phương nào đặt câu hỏi tại sao có những nơi, những lĩnh vực doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí đắt đỏ đến vậy, có cách nào để cắt giảm hay không?
Có cơ quan nào cảm thấy áy náy trước con số 28,8 triệu ngày công và 14.200 tỷ đồng mà các doanh nghiệp đã phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu?
Chắc hẳn đó cũng là những câu hỏi mà Chính phủ đang đặt ra với các thành viên của mình, khi chọn công bố góc nhìn về chi phí mà doanh nghiệp phải chi để tuân thủ các quy định mà cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Vì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của một ngành, lĩnh vực có mối tương quan tỷ lệ thuận với quyết tâm cải cách hành chính, cải cách chính sách, quy định, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, lĩnh vực đó. Sự khác biệt trong chi phí tuân thủ này cũng cho thấy sự khác nhau trong cách thức tổ chức thực hiện và hành vi của công chức tại các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương.
Cũng có nghĩa, dư địa để cải cách được bày ra rất rõ, ở quy định hay cách thức thực thi, ở tư quy quản lý hay hành vi ứng xử của công chức... Khi đó, việc thực hiện thế nào, ở đâu sẽ không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Chính phủ, mà còn được giám sát bởi cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng lúc này, câu hỏi lớn nhất vẫn là các bộ, ngành sẽ làm gì trước tiên sau khi Chỉ số APCI 2018 được công bố?