Chính phủ đề xuất áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, nghĩa là bảng giá đất mới áp dụng theo nguyên tắc thị trường sẽ được áp dụng từ năm 2026.
Cho đến nay, đã có hơn 12,1 triệu ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh minh hoạ Cho đến nay, đã có hơn 12,1 triệu ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh minh hoạ

Chính phủ vừa có tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đem ra trình tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới.

Một trong những nội dung nổi bật của Dự thảo được dư luận quan tâm là vấn đề tài chính đất đai. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ quy định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Trước đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định điều chỉnh bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, Chính phủ cho biết rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Dẫn tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương xác định “bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”, Chính phủ cho biết để bảo đảm quy định này có tính khả thi, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025. Nghĩa là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường.

Với quy định này, các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025 để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật.

Cũng theo Tờ trình, việc ban hành bảng giá đất năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Về sở hữu đất đai, Dự thảo vẫn giữ nguyên như quy định cũ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Dự thảo cũng bổ sung quy định tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm.

Để khuyến khích tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hằng năm, Dự thảo quy định tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm được thế chấp, bán tài sản thuộc sở hữu gắn với quyền thuê.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa việc đầu cơ, trục lợi thì dự thảo quy định các điều kiện. Cụ thể, với tài sản gắn liền đất thuê phải được đăng ký theo quy định, hoàn thành việc xây dựng đúng quy hoạch, đã ứng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở, kết cấu hạ tầng, dự thảo quy định phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện chuyển nhượng. Quy định này nhằm hạn chế lợi dụng chính sách để lừa đảo, huy động vốn vượt quá giá trị dự án, tạo rủi ro gây ra nợ xấu, ảnh hưởng an toàn hệ thống tín dụng…

Ngoài các trường hợp thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, các dự án xã hội hóa, dự luật cũng quy định các trường hợp vi phạm bị thu hồi đất bao gồm: sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đưa vào sử dụng, vi phạm tiến độ sử dụng liên quan dự án đầu tư…

Tuy nhiên, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, người có đất được thu hồi được bàn giao nhà ở; không được cưỡng chế thu hồi đất nếu như chưa bố trí tái định cư, bố trí tạm cư cho người bị thu hồi đất.

Khu tái định cư phải được hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ và do UBND cấp tỉnh thực hiện.

Đồng thời, phải thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp, người có công, đối tượng yếu thế. Hình thức bồi thường có thể đa dạng bằng tiền, bằng nhà ở, đất…

Trước đó, chiều 24/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình để xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 tới đây.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày cuối cùng, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đóng góp vào từng điều, khoản, chương cụ thể, "tập trung vào những vấn đề lớn, đòi hỏi các bộ, ngành cùng thống nhất phương án tiếp thu".

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023 diễn ra sáng 10/4 (bao gồm nội dung lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của nhân dân về dự án Luật theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.

Được biết, đến nay, đã có trên 12,1 triệu lượt ý kiến đối với dự thảo Luật, các nội dung tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn, có nhiều vướng mắc trên thực tiễn: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thảo luận và thông qua tại 03 kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới, Dự thảo này sẽ được Quốc hội thảo luận lần thứ hai, trước khi thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục