Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã nổ ra hồi đầu tháng 7, khi Hoa Kỳ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đến tháng 8 là thêm 16 tỷ USD chịu thuế suất 25% và tháng 9 thêm 200 tỷ USD chịu thuế suất 10%.
Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Các đợt áp thuế
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ban hành một báo cáo, gọi là Section 301, cáo buộc Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi kinh tế để chiếm lĩnh công nghệ của Mỹ, trong đó có cả việc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, hay buộc chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào Trung Quốc. Đó là cơ sở để Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Con số 34 tỷ USD là khá thấp so với tổng cộng 505 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ năm 2017. Nghiên cứu kỹ hơn, các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là không nhiều (xem Hình 1).
Dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể.
Hơn thế, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải…, không phải hàng tiêu dùng, nên nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam (xem Hình 2).
Ngay cả trong đợt 2 khi Hoa Kỳ quyết định áp thuế với thuế suất 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm cũng tương tự như đợt 1 và tác động trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nhỏ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 24/9/2018, chính quyền Hoa Kỳ quyết định áp thuế với thuế suất thêm 10% đánh vào hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo danh sách do Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố, 200 tỷ USD hàng Trung Quốc chịu thuế 10% bao gồm khoảng 5.800 dòng sản phẩm (Hình 3).
Theo đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%), nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động vì vậy sẽ sâu rộng hơn.
So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1% (Hình 4).
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.
Nông thủy sản
Trong thương mại quốc tế, nông sản luôn là nhóm hàng nhạy cảm vì ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đợt 1 và 2, hàng nông sản không xuất hiện trong danh mục đánh thuế trừng phạt của Hoa Kỳ. Trong 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3, nông sản, thủy sản và lương thực thực phẩm chế biến chỉ có giá trị 5,3 tỷ USD, chiếm 2,7%.
Thế nhưng, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tập trung vào nông sản của Hoa Kỳ xuất sang nước này. Trong đó, đậu nành là nông sản chịu tác động nhất mà Trung Quốc đã trả đũa ngay trong đợt đầu. Trong khoảng 20 tỷ USD nông sản Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc năm 2017, đậu nành có giá trị kim ngạch 12,7 tỷ USD, chiếm 63%.
Những nông sản khác bao gồm ngô, lúa mì, hoa quả tươi, hạt và một số sản phẩm sữa. Thịt heo nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng đã bị Trung Quốc áp thuế với thuế suất lên trên 70%. Trong đợt 3, trong 60 tỷ USD hàng nhập từ Hoa Kỳ mà Trung Quốc áp thuế từ 5% đến 10%, nông sản quan trọng là bột cocoa và rau quả đông lạnh. Cộng cả 3 đợt, hầu như tất cả nông sản Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc đều chịu thuế trả đũa.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện đang đối phó bằng cách đưa ra chương trình hỗ trợ 12 tỷ USD dành cho nông dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Gói hỗ trợ đầu tiên với giá trị 4,7 tỷ USD đang được giải ngân với 3,6 tỷ USD dành cho nông dân trồng đậu nành.
Đối với Việt Nam, khi thuế trừng phạt đợt 3 có hiệu lực, thì nông thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu tác động. Trong 13 tỷ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tương tự như hàng Trung Quốc chịu thuế 10%, nông sản và thủy sản (kể cả sản phẩm chế biến) có giá trị 2,9 tỷ USD, chiếm tới 22,1%, chỉ đứng sau hàng nội thất.
Bảng 1 minh họa cơ cấu 2,9 tỷ USD hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ và cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Thủy sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ là nhóm hàng hưởng lợi từ việc các sản phẩn tương tự từ Trung Quốc chịu thuế cao hơn.
Rủi ro đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam
Một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transhipment) qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), Liên minh châu Âu - EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Hoa Kỳ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép phải đàm phán thương mại với Hoa Kỳ nếu không sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế đối với xe ôtô.
Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.
Transhipment, hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc xuất sang VN rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế nếu không được kiểm soát sẽ khiến Việt Nam trở thành tâm điểm để Hoa Kỳ tấn công.
Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng).
Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà cả nhóm sản phẩm. Đáng chú ý, vấn đề quan trọng còn nằm ở việc ảnh hưởng đến uy tín và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là máy móc thiết bị cơ khí, điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỷ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dạng hóa sản xuất, họ đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi, không chỉ tập trung ở Trung Quốc.
Tác động sẽ không quá tiêu cực khi các tập đoàn này điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn. Về trung hạn, họ cũng sẽ có điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.