Chiến thuật năng nhặt

(ĐTCK) Hãy kết thành tổ ong, cần mẫn và bền bỉ để có một vị trí không thể thiếu và khó có thể xâm phạm.

Đó là triết lý mà TS. Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính DN, Đại học Kinh tế TP. HCM chia sẻ để mỗi DN, mỗi quốc gia thích nghi được với khủng hoảng kinh tế và diễn biến bất định về chính trị đang diễn ra trên toàn cầu. 

 

Thưa ông, Việt Nam đã từng ước mơ hóa rồng hay trở thành con hổ châu Á, nhưng có vẻ như mọi sự không dễ dàng và khó khăn hơn ta tưởng rất nhiều?

Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến lúc cần tự hỏi, chúng ta là ai, chúng ta phải làm gì khi còn bộn bề những khó khăn nội tại của nền kinh tế, cũng như môi trường bên ngoài? Khi Trung Quốc gia nhập WTO, người ta nói Trung Quốc sẽ là con nai, nhưng thực tế họ thành con hổ. Chúng ta không thể là con nai, nhưng liệu có thể trở thành con hổ?

Có thể trong vài thập kỷ nữa, ước mơ của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực, nhưng trong bối cảnh trước mắt, có lẽ chúng ta hãy làm những chú ong cần mẫn, liên kết lại để có vị trí không thể thiếu và khó có thể xâm phạm trong thế giới này. Đó là triết lý mà tôi suy ngẫm.

 

Ong thì thông minh và mau lẹ hơn, một kỹ năng, một lợi thế để vượt qua rất nhiều rủi ro khó lường của kinh tế thế giới chăng, thưa ông?

Bất cứ một quốc gia, tổ chức nào đều có chiến lược phát triển dài hạn, nhưng hiện nay trọng tâm của phát triển đang đặt mạnh hơn vào chiến thuật trong trung hạn và dài hạn. Nếu có chiến thuật khôn khéo ở mỗi giai đoạn, chúng ta mới có cơ hội đạt được mục tiêu dài hạn. Vì chúng ta đang sống trong một thế giới bất định, rủi ro thì lúc nào và ở đâu cũng có. Toán học có công thức để đo lường rủi ro, nhưng tính bất định thì không thể đo lường được. Sóng thần ở Nhật Bản, khủng hoảng của một số nước ở châu Âu, hay vấn đề Iran…, đều là những việc không thể tiên liệu.

 

Nếu thử phác họa các kịch bản lớn của kinh tế thế giới ở thời điểm này, ông mường tượng như thế nào?

Ở thời điểm này, trong các kịch bản mà nhiều nhà phân tích nhắc tới, tập trung khá nhiều vào khủng hoảng nợ châu Âu. Mặc dù khủng hoảng nợ châu Âu đang diễn biến khó lường, nhưng tôi thấy đã có điểm sáng của kinh tế Mỹ, biểu hiện ở tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm và đơn đặt hàng dài hạn tăng lên. Kinh tế Mỹ đã bước qua giai đoạn suy thoái, nhưng tăng trưởng còn chậm chạp và tiềm ẩn nhiều bất trắc phía trước. Theo tôi, tình hình kinh tế thế giới năm 2012 dù tính bất ổn còn cao, nhưng không đến mức quá bi quan, ngoại trừ việc xấu nhất xảy ra là khối Eurozone tan rã. Đó là kịch bản xấu nhất mà những nhà hoạch định chính sách nước ta phải tính đến một cách nghiêm túc để giảm sốc cho nền kinh tế, nhằm hạn chế ảnh hưởng suy thoái lây lan.

Thêm vào đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn, đang có những diễn biến khó lường, thiếu các số liệu đáng cậy để nhận biết. Mới đây, còn có thêm nguy cơ chiến tranh nổ ra ở Iran. Điều tôi hy vọng là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các nhà lãnh đạo thế giới ít  ham hố khẩu vị chiến tranh.

 

Theo ông, chúng ta cần làm gì để giảm sốc cho nền kinh tế hiện nay và khi tình huống xấu đến?

Cách giảm sốc tốt nhất vẫn là phát huy nội lực, Chính phủ cần có chính sách kích thích tiêu dùng nội địa thông qua chính sách thuế, giảm nhập siêu, cắt giảm đầu tư công…

Cắt giảm đầu tư công là vấn đề nhạy cảm, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Chúng ta chưa đến mức phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng nói đến cắt giảm đầu tư công và sức ép hoàn thành nghĩa vụ thuế tăng thêm hàng năm là thấp thoáng yếu tố thắt lưng buộc bụng. Khi cắt giảm đầu tư công, nhiều ngành phải hy sinh lợi ích trước mắt và ngành nào cũng phải hy sinh lợi ích từ miếng bánh ngân sách.

Nhưng nhìn toàn cục, cắt giảm đầu tư công góp phần giảm chi phí, giảm mặt bằng giá cả toàn xã hội. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

 

Dường như tại Việt Nam, mọi chuyển động vẫn trong tầm kiểm soát, ngân hàng, CTCK, tập đoàn kinh tế… không đổ vỡ, phá sản mà thực hiện tái cơ cấu. Ông có lo ngại những tình huống không thể kiểm soát và không thể cứu vãn được?

Đó cũng là một nguy cơ. Sự bất định của nền kinh tế thế giới buộc chúng ta phải nhìn lại những gì đang làm. Cần thận trọng với những mô hình tập đoàn kinh tế, ngân hàng với quy mô quá lớn, hình thành bằng mệnh lệnh hành chính hay đơn giản chỉ là ước muốn duy ý chí. Nhiều nhà quản lý chưa hiểu rõ khái niệm quản trị rủi ro, nếu hiểu cũng chưa có đủ kinh nghiệm để quản trị ở một quy mô quá lớn, vượt quá tầm quản trị rủi ro trong một thế giới bất định.

Quay trở lại với triết lý mà tôi suy ngẫm, chiến thuật của chúng ta giai đoạn này, theo tôi là hãy làm những con ong, tuy nhỏ, nhưng kết thành tổ ong bền bỉ để vượt qua mọi khó khăn và thách thức từ bên ngoài.

 

TS. Trần Ngọc Thơ

Nhà đầu tư chứng khoán trước đây có những danh mục giữ cả năm, nhưng bây giờ có thể phải linh hoạt bán hay mua tùy theo tình hình thị trường. Chính phủ cũng phải xây dựng những kịch bản khác nhau của kinh tế thế giới, để có những chính sách ứng phó thích hợp. Để ứng phó với tình huống bất định, chúng ta phải tư duy nhiều hơn và hành động nhiều hơn.

Thành Nam thực hiện
Thành Nam thực hiện

Tin cùng chuyên mục