Chiến sự phủ bóng đen lên ngành công nghiệp ô tô

0:00 / 0:00
0:00
Giới phân tích hạ dự báo sản lượng và doanh số ô tô toàn cầu hai năm tới do chiến sự Nga-Ukraine khiến nguyên liệu thô tăng giá và các nhà máy ô tô ở Đông Âu phải đóng cửa.
Sản lượng ô tô toàn cầu ước giảm 2,6 triệu xe trong hai năm 2022 và 2023 vì xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: AFP Sản lượng ô tô toàn cầu ước giảm 2,6 triệu xe trong hai năm 2022 và 2023 vì xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: AFP

Một số nhà máy ô tô ở Ukraine đã cố gắng tiếp tục hoạt động giữa tiếng súng, trong khi các công nhân được cho là đã phải nghỉ làm để tránh bom rơi đạn lạc.

Tháng trước, Công ty phân tích ngành vận chuyển S&P Global Mobility đã giảm 2,6 triệu xe trong dự báo sản lượng ô tô toàn cầu trong hai năm 2022 và 2023 vì xung đột Nga - Ukraine. Trường hợp xấu nhất, sản lượng ô tô toàn cầu có thể giảm tới 4 triệu xe trong hai năm này, S&P Global Mobility cảnh báo.

Riêng sản lượng ô tô của châu Âu được dự báo giảm khoảng 9%, tương đương khoảng 1 triệu ô tô. Nguyên nhân một phần là do doanh số ô tô ở Nga và Ukraine bị sụt giảm trực tiếp do chiến sự, dù hai quốc gia này chỉ chiếm một thị phần nhỏ (2% vào năm 2021) của thị trường ô tô thế giới.

Mối quan ngại lớn hiện nay là tình trạng thiếu nguyên liệu và linh kiện đang ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Các báo cáo chuyên ngành cảnh báo tác động xấu có thể lan sang các thị trường khác nếu chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang.

Các nhà phân tích từ Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings dự báo rằng, doanh số ô tô toàn cầu năm 2022 sẽ giảm 2% so với năm trước. Đây là mức giảm đáng kể so với dự báo tăng trưởng 4 - 6% doanh số năm 2022 mà S&P Global Ratings từng dự đoán vào quý IV/2021.

Giới phân tích cho rằng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô và link kiện quan trọng từ khu vực châu Âu, đáng chú ý nhất là nguồn cung bộ dây diện dùng trong ô tô (wire harness) từ Ukraine.

Thị trường nguyên liệu thô cũng gặp rủi ro lớn vì chiến sự bởi Nga cung cấp khoảng 40% palladium thô cho thế giới, một dạng kim loại được sử dụng để làm sạch khí thải ô tô. Ngoài ra, Nga cũng là nhà cung ứng niken (kim loại được sử dụng trong sản xuất pin xe điện) hàng đầu của khu vực châu Âu. Chưa kể, nguồn cung các khoáng sản và kim loại thông thường khác, chẳng hạn như sắt, cũng bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Tất cả những nguyên liệu này đều là những vật liệu chủ chốt dùng trong ngành chế tạo ô tô.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường ô tô Auto Forecast Solutions (Mỹ), sự cộng hưởng nhiều yếu tố tiêu cực đã gây ra sự bất ổn toàn cầu trong thị trường ô tô.

Lạm phát trên khắp thế giới đang được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng cao, cùng với các tác động tiêu cực khác từ chiến sự Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19 đang làm dấy lên nỗi lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.

"Tại Mỹ, lạm phát đã xuống thấp đáng kinh ngạc trong một thời gian rất dài, nay bỗng tăng đột ngột đã khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại về sự quay trở lại của thời kỳ khoảng trống giá… Nguy cơ suy thoái ngày càng tăng do lạm phát, chiến sự, Covid-19, chất bán dẫn và các động lực tăng trưởng khác. Nếu cuộc xung đột lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine, thì khả năng suy thoái sẽ tăng lên và khả năng nó trở thành một cuộc suy thoái kéo dài", Auto Forecast Solutions nêu trong báo cáo công bố mới đây.

Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) đã hạ dự báo doanh số ô tô toàn cầu năm 2022 xuống còn 83,3 triệu chiếc, từ mức kỳ vọng trước đó là 86,0 triệu chiếc.

Riêng với thị trường Tây Âu, ngân hàng UBS hạ dự báo doanh số ô tô năm 2022 xuống 12,94 triệu chiếc, từ mức dự báo 14,15 triệu chiếc; đồng thời dự đoán doanh số ô tô cả châu Âu giảm còn 16,58 triệu chiếc, từ mức dự báo trước đó là 18,21 triệu chiếc. Tây Âu bao gồm các thị trường ô tô lớn là Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italia.

Ngân hàng UBS đánh giá, nguồn cung của ngành công nghiệp ô tô gặp hạn chế chủ yếu do tình trạng thiếu chip, dẫn đến lượng đơn đặt hàng tồn đọng lớn và lượng dự trữ đại lý thấp.

Lý do chính khiến ngân hàng UBS hạ dự báo doanh số ô tô năm 2022 là do sự tắc nghẽn nguồn cung ở châu Âu, việc xuất khẩu sang Nga bị đình trệ do các lệnh trừng phạt và việc ngừng sản xuất ô tô ở thị trường này.

"Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, chúng tôi cho rằng nguồn cung nguyên liệu đầu vào vẫn là yếu tố hạn chế sản lượng ô tô năm 2022 do lượng hàng tồn đọng hiện có và hàng tồn kho của các đại lý ở mức thấp. Vào năm 2023, chúng tôi dự đoán đường cầu phẳng hơn để phản ánh triển vọng vĩ mô vừa phải hơn với lạm phát cao hơn và chi tiêu tiêu dùng tùy ý thấp hơn", ngân hàng UBS nêu.

Theo dự báo của Ngân hàng UBS, các mẫu ô tô cao cấp/hạng sang và các mẫu xe SUV có khả năng vượt trội về doanh số bán hàng, còn xe điện sẽ là "người thắng cuộc" do đang nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ và hơn nữa giá xăng và dầu diesel đang tăng cao.

Công ty Dự báo thị trường ô tô LMC Automotive (Vương quốc Anh) cho biết hoạt động kinh doanh ô tô ở Tây Âu đang gây thất vọng khi ngành công nghiệp ô tô tiếp tục chịu tác động của các vấn đề về nguồn cung và chiến sự Nga - Ukraine đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

"Chúng tôi hạ dự báo kể từ tháng trước khi số liệu thống kê đăng ký (doanh số ô tô) tiếp tục giảm sút do nguồn cung bị tắc nghẽn, vấn đề này càng trầm trọng hơn do chiến sự. Chúng tôi vẫn dự đoán tốc độ bán ô tô sẽ cải thiện trong suốt năm 2022, nhưng hiện tốc độ bán hàng đang chậm hơn so với dự báo của tháng trước", LMC Automotive cho biết.

Các chuyên gia của LMC Automotive cho rằng chiến sự Nga - Ukraine cũng sẽ triệt tiêu nhu cầu cơ bản, thông qua việc làm cho lạm phát tăng cao và kéo dài hơn, kéo giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục