Trong báo cáo về chiến lược cải cách kinh tế trên toàn châu Âu, EC cho biết, chiến lược nói trên được lấy theo tên Thủ đô Lixbon của Bồ Đào Nha, nơi mà kế hoạch này lần đầu tiên được các nước thành viên EU thông qua vào năm 2000, đã góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt kinh tế của EU. Mục tiêu ban đầu của chiến lược Lixbon là nhằm biến EU trở thành nền kinh tế năng động và cạnh tranh trên thế giới vào năm 2010, tuy nhiên sau đó chiến lược to lớn này đã bị gác lại và phải đến tận năm 2005 mới tiếp tục được thực hiện (dự kiến trong vòng 3 năm) với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Nhờ việc tiến hành các biện pháp cải tổ trong khuôn khổ chiến lược Lixbon, EU đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 3% trong năm 2006, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ đầu thập niên đến nay. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được duy trì ở mức 2,9% trong năm 2007. Theo EC, các biện pháp cải tổ đã giúp tăng nhịp độ tăng trưởng GDP tại khu vực đồng euro (Eurozone) thêm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2005, lên khoảng 2,25% năm 2007.
Một thành quả khác trong chiến lược Lixbon là gần 6,5 triệu việc làm mới đã được tạo ra ở EU trong 2 năm qua. Dự kiến, sẽ có khoảng 5 triệu việc làm nữa được tạo ra từ nay cho đến năm 2009. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp của khối dự kiến sẽ giảm xuống dưới 7%, mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Báo cáo của EC cho biết, đây là lần đầu tiên trong vòng một thập niên trở lại đây, số lượng việc làm ở các nước EU tăng mạnh cùng với sự cải thiện đáng kể trong năng suất lao động.
Thâm hụt ngân sách của EU cũng đã giảm đáng kể từ 2,5% GDP năm 2005 xuống mức 1,1% ước tính cho năm 2007. Trong khi đó, mức nợ công của EU trong cùng kỳ cũng giảm từ 62,7% xuống dưới 60%. Chủ tịch EC, Jose Manuel Barroso, nói: "Chiến lược Lixbon đang mang lại hiệu quả. Nó đang giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm. Nó cũng đang giúp củng cố vị thế của châu Âu và mang lại thành công cho các công dân châu Âu trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay. Chiến lược này cũng giúp xây dnựg chương trình nghị sự chung về kinh tế giữa các nước EU, trong khi vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia".