Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi - Bảo vệ tốt nhất người gửi tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tôn chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2022) đã được cụ thể hóa qua các nhóm mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi - Bảo vệ tốt nhất người gửi tiền

Những mục tiêu này sẽ góp phần tác động tích cực, giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, cung cấp tầm nhìn bao quát ngắn – trung và dài hạn đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 đã khẳng định vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn tới, đó là góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tăng cường vai trò, tham gia sâu hơn trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Để hướng tới điều này, các mục tiêu cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, bao gồm cấp và thu hổi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường năng lực tài chính của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc Phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhanh và bền vững sẽ là kết quả của ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý. Về nhận thức của công chúng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng chỉ rõ tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi và hệ thống hóa văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng; Hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi. Việc này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi, mà còn góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành tài chính - ngân hàng.

Hai là, hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, cần chủ động định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ba là, về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp lý và quy trình thực hiện cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm; Cần nâng cao hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi; Tham gia kiểm soát đặc biệt, xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; Tăng cường hiệu quả chi trả bảo hiểm tiền gửi và thanh lý tài sản...

Bốn là, về tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cần nâng cao năng lực tài chính của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi; Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu quả và đồng bộ trong quản trị điều hành, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi; Ưu tiên đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ lãnh đạo có năng lực.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục