Tính đến thời điểm 30/6/2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện cấp 131 bản sao và cấp lại 10 Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện quản lý 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.179 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Các mảng nghiệp vụ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai có hiệu quả. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tăng cường cải tiến báo cáo giám sát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh công tác giám sát, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 128/278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt hơn 46% so với kế hoạch; thực hiện kiểm tra đối với 12/60 Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2023.
Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính để bảo vệ người gửi tiền, trong 6 tháng đầu năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện thu phí bảo hiểm tiền gửi đạt hơn 52% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao năm 2023. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Theo đánh giá của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhìn chung các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã chấp hành tốt quy định về tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Để thực hiện được thu phí theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành chỉ tiêu về thu phí bảo hiểm tiền gửi được Ngân hàng Nhà nước giao năm 2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đồng thời giải đáp các vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi.
Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động cử cán bộ tham gia các Ban kiểm soát đặc biệt đối với một số quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Công tác thông tin tuyên truyền được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông, tập trung nội dung truyền thông về Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chính sách trong sửa đổi, bổ sung luật bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền trực tiếp chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân trên địa bàn.
Trong các tháng cuối năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức, trong đó tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao trong quá trình xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao năng lực tài chính để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia hiệu quả vào quá trình xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém; Hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch chi tiết Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tổng quát theo Chiến lược đã ban hành;
Hoàn thiện để phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giai đoạn 2024, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục chủ động, nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung ngành ngân hàng.