Chiếc lò xo đang nén chặt

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) 3,5 tỷ USD là con số ước tính của Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 về tổng giá trị thương vụ M&A năm nay.

Chiếc lò xo đang nén chặt

Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 5 tỷ USD đạt được năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường lạc quan hàng đầu khi số liệu cho thấy 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ USD so với con số 4.100 tỷ USD năm 2019, tức giảm hơn 4 lần.

Nguyên nhân cơ bản là do Covid-19 đã tạo ra giãn cách xã hội và sự gián đoạn dòng vốn đầu tư.

Tại thị trường Việt Nam, khi những ông chủ nước ngoài nhiều tiền và vốn là “tay chơi chính” không thể đến chợ, thì những nhà đầu tư trong nước đang nổi lên và trong đó, các doanh nghiệp niêm yết là những người chơi nổi bật.

Điều này dễ nhìn thấy nhất ở thị trường bất động sản nhà ở và khu công nghiệp, khi việc mua lại để triển khai dự án phụ thuộc vào khả năng hoàn tất hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư nên doanh nghiệp trong nước làm chủ thị trường này trong vai trò bên mua.

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã trả giá để mua một dự án nhà ở tại TP.HCM. Một thương vụ khác, dù phía Nam Long chưa chính thức công bố nhưng thị trường đã có thông tin về việc Novaland mua lại dự án của Nam Long tại Đồng Nai ngay cạnh Aqua City để mở rộng dự án, thay vì có thêm một đối thủ. Năm ngoái, Nam Long mua lại dự án này của một chủ đầu tư nước ngoài.

Ở lĩnh vực năng lượng, các chủ đầu tư trong nước với sự hậu thuẫn của cổ đông nước ngoài cũng bắt đầu tham gia thị trường, bên cạnh các chủ đầu tư đến từ Trung Quốc, Thái Lan đang rất năng động, trong việc mua lại các dự án năng lượng mặt trời như Bamboo Capital mua lại dự án Phù Mỹ công suất 330 MW tại Bình Định.

Trên TTCK, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, rút vốn khỏi các thị trường mới nổi thì hoạt động M&A tái cơ cấu chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Tuy không có thương vụ đình đám xét về giá trị, nhưng các hoạt động M&A quy mô vừa và nhỏ lại khá sôi động, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhất là khi giá chứng khoán sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Có thể kể đến việc Thaco mới chuyển nhượng vốn góp ở Hùng Vương cho một nhà đầu tư khác sau giai đoạn tái cơ cấu, Chứng khoán Đại Nam chuyển nhượng cho Encapital, Chứng khoán Đà Nẵng về tay Uniland, một doanh nghiệp bất động sản nhưng là tay chơi mới trên TTCK…

Với tiềm lực tài chính mạnh lên, nhiều doanh nghiệp trong nước đang mạnh dạn tham gia vào thị trường M&A để mở rộng hoạt động. Ngược lại, kinh doanh khó khăn do rào cản dịch bệnh khiến không ít doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhượng toàn phần hoặc một phần dự án cho các đối tác mạnh hơn để có thể cùng trở lại.

Có nghĩa là cả hai đầu “cung” và “cầu” đều như chiếc lò xo bị nén chặt chờ dịp thích hợp để bung ra.

Dịp thích hợp đó chính là “trạng thái bình thường mới” mà Việt Nam đã và đang tạo dựng được, theo nhận định của các chuyên gia và nhà quản lý tại Diễn đàn M&A năm 2020 do Báo Đầu tư tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM.

Từ những nỗ lực tích cực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, kiểm soát dịch bệnh, cùng với việc ban hành các luật kinh tế quan trọng cũng như những siêu hiệp định thương mại mới được ký kết, tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp tập đoàn lớn ở khu vực nhà nước và tư nhân…, hoạt động M&A đang có điều kiện tuyệt vời để trỗi dậy.

Những cơ hội M&A trong từng nhóm ngành, doanh nghiệp, các thương vụ mua bán, sáp nhập mới nhất và tương lai của thị trường M&A Việt Nam cũng là chủ đề tiêu điểm của tuần báo Đầu tư Chứng khoán số này.

Tin rằng, những thông tin này sẽ giúp ích cho quý độc giả là doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư dù trong vai trò bên mua hay bên bán chuẩn bị tâm thế tốt hơn để đón nhận cơ hội M&A cũng như cơ hội đầu tư phát sinh từ các hoạt động M&A.

Người quan sát ,

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục