Chị Dương Giang, người Việt đang sinh sống tại Đức.
Là một nước phát triển, có nền y tế, dịch vụ vào loại hàng đầu thế giới nhưng những ngày qua, Cộng hòa Liên bang Đức cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Và câu chuyện ứng xử của người dân với dịch cũng có những nét tương đồng như ở Việt Nam. Nhưng cũng có cả sự khác biệt.
Cô em tôi ở Đức, mấy ngày nay cô bảo, bên đó cũng quay cuồng vì dịch. Nhưng cùng với diễn biến của dịch, người dân Đức lại trưởng thành khá nhanh chóng về mặt tư duy.
Cô kể, đến nay ở Đức đã có hơn 700 người nhiễm Covid-19 (số liệu tính đến ngày 6/3 chỉ là 534 ca), nhiều nhất vẫn thuộc khu vực cô sống (Düssel, Nordrhein-Westfalen).
Cách đây 1 tuần khi Đức phát hiện thêm 4 ca dương tính với Covid-19 ở vùng Tây Đức (sau 14 ca đầu tiên ở München đã được chữa khỏi) thì có một đôi vợ chồng. Sau chuyến du lịch từ Milan (Italia) trở về, đôi vợ chồng này và có dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mủi, họ nghĩ bị cúm thông thường và vẫn đi dự Carnival - một lễ hội hoá trang khá lớn của Đức và các nước châu Âu, lễ hội lại tập trung khá đông người, nhất là trẻ con.
Hậu quả là 1 tuần qua ở Đức, số người mắc Covid-19 tăng nhanh từng ngày. Dù chính phủ Đức đã thực hiện phong toả, cách ly, xịt khử trùng... nhưng các ca nhiễm vẫn tăng.
Cô kể, cách đây 1 tuần, ở nơi cô sống, cả người Đức và người nước ngoài, trong đó có người Việt đều đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. Người Đức thì mua mỳ, người Việt thì mua gạo. Thậm chí, đến cuộn giấy về sinh cũng được dự trữ bởi người dân mua không trừ thứ gì.
Đúng 3 ngày, đúng 3 ngày thôi, cứ mỗi sáng, siêu thị lại chất thêm đầy đồ và dân lại đổ xô mua. Đến ngày thứ 4, thứ 5 thì người dân cũng không còn tiền, còn sức đâu mà mua nữa. Vì mọi người có mua 100 bao gạo hay 1 bao gạo thì 1 ngày vẫn chỉ ăn được 3 bữa.
Cô em bảo: “Chúng em sống ở Đức và tin vào cách giải quyết của chính phủ. Không ai lo nếu bị cách ly thì lấy gì mà ăn, hay sống kiểu gì, vì mọi người đã biết đó là những lo lắng thừa thãi. Bởi ở Đức, người ta có thể lo được lương thực cho dân hàng tháng, hàng năm, dù Đức là nước phát triền công nghiệp nặng, thực phẩm nhập khẩu nhiều”.
Cô em cho biết, ngày nào cũng lên mạng xem các thông tin về diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam, cô thấy những gì Nhà nước đã làm, đang làm và cùng nhân dân gồng mình chiến đấu CoV19 là rất tốt.
Thời đại 4.0, mọi thông tin đều được phơi bày. Mỗi người dân nên nhìn vào những điều đã nhận được trong suốt thời gian qua và mỗi người cần tự đặt ra cho mình câu hỏi và tự tìm câu trả lời, rằng: Việt Nam có chữa khỏi cho các trường hợp nhiễm Covid-19 trước đó không? Những nơi cách ly có được chăm sóc, chăm lo tận tình, chu đáo không?
“Cá nhân em, qua thông tin chính thống nhận thấy, mọi lực lượng đều được huy động để hỗ trợ tối đa cho công tác phòng, chống dich. Các hoạt động truyền thông được làm bài bản và hiệu quả”, cô nói và cho biết thêm, dù ở Đức dịch bùng phát nhanh như vậy, nhưng cô lại nể cách người Đức bình tĩnh, tự tin và không hoang mang.
“Chúng tôi những người con xa xứ, dù ở đâu vẫn luôn hướng về đất nước, vẫn luôn yêu Việt Nam. Các bạn Việt Nam hãy tin vào Nhà nước, hãy bình tĩnh, tránh hoang mang và gây náo loạn cộng đồng. Mỗi người hãy cùng nhau bình tâm lại, mọi việc hãy để Nhà nước lo, hãy đọc các thông tin chính thống, hãy theo chỉ dẫn của Nhà nước, hãy thêm cho mình kiến thức về phòng Covid-19. Và quan trọng nhất là chuẩn bị cho mình một sức khoẻ tốt, đề kháng tốt, tránh chỗ đông người và di chuyển nhiều và chỉ mua đồ dự trự ở mức độ vừa đủ. Chúc mọi người luôn bình an”, cô nhấn mạnh.