Chân thành, một chút tham vọng và kiên trì là yếu tố đi đến thành công
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bán lẻ FPT (FPT Retail). |
Nền kinh tế càng phát triển, vị thế của các nữ doanh nhân càng được nâng cao, đồng thời nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều phía.
Ðiều này phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển.
Theo tôi, những yếu tố dẫn dắt cho sự thành công của các nữ doanh nhân là tự tin, nhận thức rõ mục đích, chân thành, một chút tham vọng và kiên trì.
Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nên phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển chung.
Dù có những ưu thế nhất định, nhưng khi phụ nữ làm lãnh đạo có 2 điểm khó khăn hơn nam giới.
Thứ nhất là “độ liều”. Phụ nữ thường cẩn trọng hơn, không quyết đoán, liều lĩnh bằng nam giới, nên đôi lúc sẽ bỏ qua những cơ hội tốt.
Thứ hai là khả năng nhạy bén với công nghệ mới không bằng nam giới. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của đồng nghiệp, gia đình, tôi đã và đang cố gắng hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của mình.
Năm nay, Covid-19 là một biến cố bất ngờ, tạo thêm áp lực đối với nhiều ngành, doanh nghiệp.
Trong khó khăn chung, FPT Retail đã xây dựng kế hoạch ứng phó với các mức độ ảnh hưởng của dịch, trong đó tập trung rà soát, cải tiến các hoạt động để chủ động tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Những thành quả FPT Retail đạt được vừa là áp lực, vừa là động lực để chúng tôi tiếp tục đi những bước nhanh hơn và vững chắc hơn trong thời gian tới.
Từ những thách thức thực tiễn, tôi nhìn thấy những vấn đề trong doanh nghiệp của mình và phải có cách thức làm việc chuyên nghiệp hơn, giúp cải tổ hoạt động một cách lành mạnh.
Doanh nhân ngành chứng khoán cần có khả năng chịu được áp lực từ những cú sốc thị trường
Bà Hồ Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VietinBank. |
Theo tôi, yếu tố giúp các nữ doanh nhân thành công đến từ sự tự tin, nhận thức rõ mục đích cuộc sống.
Là doanh nhân không thể thiếu mong muốn đưa công ty phát triển theo chiều hướng tốt lên và để làm được, bên cạnh năng lực, đòi hỏi sự kiên trì và lòng quyết tâm rất lớn mỗi khi đối mặt với thử thách.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, các lãnh đạo công ty chứng khoán nói chung còn phải trang bị thêm khả năng chịu đựng áp lực, khả năng vượt qua các “cú sốc” ở những thời điểm thị trường lao dốc, hay khi chứng khoán chịu sự chi phối rất lớn từ các yếu tố ngoại biên.
Sau nhiều năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, việc “rẽ” sang chứng khoán là cơ hội giúp tôi được trải nghiệm, cống hiến ở một vai trò mới.
Tôi mong muốn tạo ra các sản phẩm dịch vụ tài chính, chứng khoán hữu ích, gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư, tạo lập thành công cho khách hàng, tối ưu hóa lợi ích cổ đông.
Nhiều năm làm việc tại VietinBank, đặc biệt ở mảng đầu tư kinh doanh vốn cho tôi kinh nghiệm nắm bắt và triển khai các mảng hoạt động chứng khoán nhanh chóng. Đây là thuận lợi.
Còn về khó khăn, tôi nghĩ khó nhất là việc cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình. Không riêng tôi, các nữ lãnh đạo đều phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều mới có thể làm tròn mọi việc.
Cách của chúng tôi là xây dựng niềm tin và trao quyền
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). |
Giữ được sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống và gia đình là điều không dễ dàng, đặc biệt là đối với phụ nữ, vốn có nhiều chức phận trong gia đình. Điều này đòi hỏi sự sắp xếp thời gian và mức độ ưu tiên công việc một cách khoa học, đồng thời cần sự tập trung cao độ để đạt hiệu suất công việc tốt nhất trong khoảng thời gian đã định.
Tại PNJ, chúng tôi xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng niềm tin và trao quyền.
Điều may mắn là PNJ đã xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp, với các giá trị cốt lõi như chính trực, kiên định, tiên phong, tận tâm.
Những giá trị này thúc đẩy mỗi thành viên phải nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng để hoàn thành tốt nhất công việc phụ trách và giảm tải áp lực cho người lãnh đạo, cho đồng nghiệp.
Chính sự chủ động, sự sẻ chia này đã giúp không chỉ tôi, mà tất cả chị em phụ nữ tại PNJ có thể cân bằng cuộc sống.
Một điều đặc biệt, tôi cho rằng nên chia công việc, gia đình và cuộc sống riêng tư thành các khoang hoàn toàn khép kín như một chiếc tàu ngầm. Như vậy, người phụ nữ mới có được một sự cân bằng thật sự.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ trở nên đảo lộn, bản kế hoạch được dày công xây dựng trước đó phải hủy bỏ hoàn toàn.
Chỉ trong vòng 1 tuần, chúng tôi phải tập trung toàn lực để xây dựng kế hoạch mới vừa giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, vừa đảm bảo doanh thu.
Kết quả là PNJ giữ được sự tăng trưởng dương, trong khi đó ngành bán lẻ, ngành kim hoàn tăng trưởng âm. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.
Covid-19 là liều thuốc thử hạng nặng. Đặt yếu tố môi trường và con người lên hàng đầu, chúng tôi vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động trong thời gian giãn cách. Ngành kim hoàn có 30 - 40% lao động mất việc nhưng chúng tôi chưa có ai phải nghỉ việc.
Thực tế cho thấy, chiến lược phát triển bền vững đóng vai trò hết sức quan trọng. Những doanh nghiệp phát triển đổng bộ cả 3 yếu tố môi trường, con người và kinh tế sẽ tạo được lớp phòng thủ vững chắc hơn trước những thử thách.
Điềm tĩnh, mềm dẻo và linh hoạt giúp phụ nữ vượt qua thách thức
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt. |
Là phái yếu, nhưng doanh nhân nữ có những điểm mạnh và lợi thế riêng trong kinh doanh.
Sự bền bỉ, điềm tĩnh, mềm dẻo và linh hoạt của người phụ nữ thường có giá trị đặc biệt trong khó khăn, nhất là khi nhìn nhận mỗi khó khăn chỉ như một nút thắt trên con đường kinh doanh.
Nếu gỡ nhanh có thể đau tay hoặc làm nút thắt càng thêm rối, nếu điềm tĩnh, gỡ dần rồi mọi sự cũng suôn sẻ.
Đặc tính này lý giải phần đông các doanh nghiệp do doanh nhân nữ điều hành thường chọn chiến lược đi chậm, nhưng chắc và lâu dài.
Với Công ty Đấu giá Lạc Việt, cũng như hầu hết các doanh nghiệp khác, dịch Covid-19 là một thử thách rất lớn, đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp phải vững tay chèo.
Với ngành nghề kinh doanh đặc thù, để duy trì hoạt động kinh doanh thời đại dịch, doanh nghiệp buộc phải tìm ra hướng đi mới và chấp nhận rủi ro.
Theo đó, thay vì kế hoạch mở rộng hợp tác với các đối tác đấu giá quốc tế như chiến lược đã vạch ra, chúng tôi phải xoay chuyển duy trì hoạt động doanh nghiệp bằng cách tập trung vào khai thác thị trường trong nước.
Để khắc phục đặc điểm phải tập trung đông người tại các sự kiện tổ chức đấu giá, Lạc Việt đã mạnh dạn đầu tư đưa vào áp dụng mô hình đấu giá trực tuyến, với việc chấp nhận đầu tư bằng phần tích lũy trong 9 năm hoạt động kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp.
Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động đấu giá dù nền kinh tế trong suốt thời gian 2 lần giãn cách dài.
Đến nay, doanh nghiệp đã đạt được doanh số bán hàng hơn 100 tỷ đồng trên hệ thống đấu giá trực tuyến và quan trọng nhất là duy trì được hoạt động bình thường, ổn định bộ máy nhân sự, đảm bảo cho đời sống người lao động.
Với nỗ lực hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động đấu giá một cách minh bạch, Lạc Việt mong muốn hiện thực hóa được khát vọng lớn nhất là góp phần phát triển ngành đấu giá còn rất non trẻ tại Việt Nam một cách minh bạch, chính thống, đủ sức hội nhập quốc tế.
10 năm qua, đối với Lạc Việt chưa phải là thành quả mà thực sự là thử thách. Chúng tôi coi vượt qua được từng thử thách là một sự ghi nhận và cứ tiếp tục đi tiếp, có sự thành công hay không còn phải nỗ lực rất nhiều.
Tôi nuôi giấc mơ đưa ngành đấu giá Việt Nam sánh vai cùng quốc tế trong tương lai không xa.
Doanh nghiệp nhà nước phải đảm nhiệm 2 vai
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood1. |
Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 vừa bùng phát, Vinafood 1 đã chỉ đạo các công ty lương thực trên địa bàn Hà Nội cung ứng đầy đủ gạo cho các điểm bán hàng và hệ thống phân phối, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân và thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường phía Bắc. Doanh nghiệp luôn duy trì được lượng dự trữ tới 300.000 tấn để chủ động đưa ra thị trường khi cần bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung.
Thực tế cho thấy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều tập đoàn lương thực, nông sản lớn trên thế giới dù có tiềm lực tài chính mạnh và mạng lưới rộng khắp toàn cầu vẫn không trụ lại được.
Tại Việt Nam, trong điều kiện là doanh nghiệp nhà nước phải chịu sự điều tiết của nhiều quy định, quy chế, làm thế nào để tồn tại và vượt qua khó khăn đại dịch là một thách thức rất lớn.
Đại dịch tạo thách thức kép khi doanh nghiệp nhà nước phải đảm nhiệm 2 vai, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi để bảo toàn vốn nhà nước, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xã hội trong hoàn cảnh đặc biệt của môi trường kinh doanh.
Với Vinafood1, đặc thù của ngành kinh doanh lương thực là khi giá lúa xuống thấp, các doanh nghiệp nhà nước phải triển khai thu mua cho dân dù giá thấp.
Hôm nay mua nhưng mai có thể giá xuống thấp nữa vẫn phải mua để vào kho. Trong khi đó, nếu thua lỗ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Một khó khăn khác là ngành nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, khiến cho việc tái tạo đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh không dễ dàng. Trong khi đó, việc tìm người tài để tuyển dụng đội ngũ lao động là một vấn đề nan giải, do mặt bằng lương của ngành thấp, không có sức hấp dẫn thực sự.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, chúng tôi mong Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cụ thể, giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phát huy vai trò của mình và phát triển bền vững cùng nền kinh tế.