Thành quả từ sức ép
Lâu lắm rồi, kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cuối năm mới vượt qua 2 con số và trở thành một điểm nhấn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế năm 2014. Công sức để đạt 143 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014, gấp đôi năm 2013, vô cùng lớn.
Hàng loạt văn bản điều hành ở các cấp cao nhất với người chịu trách nhiệm từng công việc được chỉ đích danh. Tần suất công du của các vị lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành tới các DNNN quy mô lớn dày đặc.
Thậm chí, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, đã làm việc với từng tập đoàn, tổng công ty để “có gì gỡ ngay hoặc có phương án trình Chính phủ”. Đã có một vài vị trí lãnh đạo DNNN lung lay bởi chậm trễ trong thực thi cổ phần hóa. Điều này buộc nhiều vị đồng nhiệm khác phải nhìn lại mình.
Nhưng dường như lực kéo từ trên xuống đang tới hạn. Ông Muôn thừa nhận, nếu không chuyển sức ép từ trên xuống thành áp lực nội sinh trong mỗi doanh nghiệp, dù nhiệm vụ cổ phần hóa có hoàn thành về số lượng, thì chất lượng sẽ vẫn là câu chuyện phải bàn tiếp. Nhất là khi số doanh nghiệp phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2015 sẽ gấp đôi kết quả năm 2014, khoảng 289 doanh nghiệp.
Đây cũng là nỗi lo của công tác cải cách thủ tục hành chính trong năm 2015. “Chiếc máy xén” thủ tục mang tên Nghị quyết 19/2014/NQ-CP (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) đã cắt ngay 290 giờ trong tổng số 537 giờ nộp thuế/năm. Cộng với 80 giờ sẽ được bỏ sau ngày 1/1/2015, khi Luật Sửa đổi một số điều của các luật thuế có hiệu lực, Việt Nam không chỉ đạt sớm hơn 1 năm mục tiêu giảm thời gian nộp thuế về mức trung bình của ASEAN 6, mà còn vượt mục tiêu với 167 giờ/năm, thay vì 171 giờ/năm.
Tuy nhiên, khảo sát 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2014 về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới doanh nghiệp trong thời gian qua, kết quả là gần 1/3 số doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng, thậm chí 11,6% số doanh nghiệp còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn.
Thậm chí, đến giờ nhìn lại, những đột phá được cho là sẽ tạo nên dấu ấn cải cách của Luật Doanh nghiệp, như bỏ quy định ghi tên ngành nghề đăng ký kinh doanh, cho phép doanh nghiệp tự khắc dấu… hay nguyên tắc “chọn bỏ” của Luật Đầu tư mà Ban soạn thảo đã dày công vun đắp cũng chỉ được bảo lưu sau nhiều vòng ý kiến góp ý của các bộ, ngành khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp cao nhất của Quốc hội. Nếu không có giải pháp “phổ cập tư duy “chọn bỏ” vào việc xây dựng văn bản hướng dẫn, hoặc văn bản liên quan, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lo lắng, môi trường kinh doanh sẽ không nhận được những tác động tích cực như mong muốn.
Sức bật nội sinh
Trong những doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2014, một số doanh nghiệp đã đề nghị “lên đường sớm”. Ông Muôn nhắc tới trường hợp doanh nghiệp sự nghiệp trong lĩnh vực quản lý đường bộ.
“Trước đây, các doanh nghiệp này gắn chết vào hạt quản lý đường bộ để có việc làm. Nhưng cơ chế mới buộc các hoạt động này phải đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp thực hiện, mà các đơn vị sự nghiệp sẽ không đủ điều kiện tham gia. Nếu không cổ phần hóa nhanh, họ sẽ chết”, ông Muốn nói và cho rằng, cổ phần hóa DNNN sẽ thực sự có chất lượng khi thúc đẩy nhu cầu thay đổi, nhu cầu đổi mới của từng doanh nghiệp.
Đây không phải là câu chuyện của riêng hoạt động cổ phần hóa DNNN. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chìa khóa để chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào bộ máy có năng lực nội sinh để đổi mới, có bản lĩnh để chấp nhận sự sáng tạo, có năng lực nuôi dưỡng, khuyến khích sự sáng tạo của nền kinh tế.
“Để có được bộ máy này, sẽ không thể tiếp tục cách điều hành áp đặt hành chính, mà cần tạo hệ thống động lực để mọi người cùng thực thi. Ở đây, vị thế, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có ý nghĩa quyết định”, ông Cung phân tích.
Vai trò của Nhà nước mà ông Cung đề cập là chức năng kiến tạo, là trách nhiệm thực thi, hiệu lực của hệ thống luật pháp. Mà đây là một trong những điểm yếu nhất của năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2014.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình luận, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận thể chế một cách rất thực tiễn. Có thể giới chuyên gia kinh tế nhìn thấy 2014 là một năm đột phá về triết lý, về thiết kế thể chế với quyết tâm chính trị từ những người đứng đầu đất nước, nhưng doanh nghiệp sẽ chỉ cảm nhận được bước chuyển rõ nét hơn trong năm 2015 nếu những công chức nhà nước mà họ làm việc trực tiếp thay đổi.
“Khi doanh nghiệp còn phàn nàn, than phiền về thủ tục hành chính, về các khoản chi phí ngoài luồng, có nghĩa là những cải cách từ văn bản chưa đến được với doanh nghiệp. Thực tiễn đòi hỏi những thay đổi rất cụ thể, từ tư duy của người xây dựng văn bản hướng dẫn tới hành động của công chức thực thi”, ông Lộc nói.