Chìa khóa mở cánh cửa “thành phố thông minh”

(ĐTCK) Gần đây, thành phố tương lai là đề tài được bàn luận sôi nổi, trong đó, yếu tố thông minh giữ vai trò chủ đạo. Nhưng làm thế nào để xây được “thành phố thông minh” nếu không có đủ dữ liệu đầu vào? Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu và khả năng phân tích dữ liệu chính là chìa khóa đầu tiên cần có khi định hình câu chuyện về thành phố thông minh. Tiếc rằng, tìm chìa khóa này ở Việt Nam… hơi khó.
Đồ Họa: Thành Nguyễn. Đồ Họa: Thành Nguyễn.

Thành phố thông minh: Vừa là xu hướng, vừa là giải pháp

Theo Tiến sĩ Đặng Đức Long, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng thì nghiên cứu về thành phố tương lai là một chủ đề rất rộng nhưng vô cùng cấp thiết trước diễn biến đô thị hoá nhanh chóng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Ngày nay, 55% dân số thế giới đang sống ở các đô thị và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên tới 68% vào năm 2050 theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc.

Điều này tương đương với việc các đô thị trên thế giới sẽ có thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050, với 90% dân số tăng thêm đó diễn ra ở châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam, tốc độ đô thị hoá đang ở mức 3% hàng năm so với 4,4 % ở Indonesia, 2,8% ở Thailand, 2,4% ở Malaysia, và 1,3% ở Philippines).

Với tốc độ này, hàng năm có hơn 1 triệu người dân bổ sung vào số dân đô thị ở Việt Nam và tỷ lệ dân số đô thị trên cả nước ước đạt 45% vào năm 2020 theo báo cáo về các thách thức trong đô thị hoá ở Việt Nam của Đại học RMIT.

55% dân số thế giới đang sống ở các đô thị và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên tới 68% vào năm 2050 theo một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc.

Xu thế phát triển đó đặt ra cho các thành phố trên thế giới nhiều áp lực trong chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững, duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển việc làm đi đôi với đảm bảo an ninh công cộng, duy trì và nâng cao cơ sở hạ tầng, thoả mãn nhu cầu về nhà ở, năng lượng, giáo dục và y tế cho cư dân một cách bình đẳng, đồng thời, duy trì một môi trường sống trong lành.

Các nhu cầu đòi hỏi đa dạng, nhiều khi trái ngược nhau, trong một không gian tập trung cao này luôn làm khó những người làm chính sách, những người quản lý và cả cư dân của các thành phố. Và thành phố thông minh là xu hướng phát triển, cũng lại là giải pháp cho câu chuyện đô thị hóa và gia tăng dân số.

Bao giờ Việt Nam có “chìa khóa” đầu tiên?

Nhắc đến thành phố thông minh, người ta thường hay nói đến các vấn đề như ứng dụng công nghệ, tính kết nối, hạ tầng… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chìa khóa đầu tiên rất quan trọng và cần được chú ý đó là nguồn dữ liệu và khả năng  phân tích dữ liệu.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu thì ngành khoa học phân tích dữ liệu sẽ giúp giải quyết các nhu cầu cấp bách về phát triển đô thị.

Các tri thức xây dựng được từ việc quản lý và khai thác thông minh các dữ liệu lớn, đa dạng của cư dân cũng như khách vãng lai đến thành phố sẽ vô cùng hữu ích trong việc tối ưu hoá quy hoạch và điều phối các hoạt động quan trọng như: giao thông, đảm bảo an ninh, dịch vụ hành chính, phát triển kinh doanh, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hoá của thành phố.

Các vấn đề này cũng đòi hỏi sự hợp tác đa phương và đa ngành giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nhân và người dân.

Giáo sư James Ferryman, Đại học Reading, Vương quốc Anh cho rằng, với những thành phố có nhiều khách du lịch, ví dụ như Đà Nẵng, cần được phát triển theo hướng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc việc đi lại, nhập cảnh nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an ninh, hiệu quả trong việc kiểm soát nhập cư.

Lấy ví dụ về việc ứng dụng phân tích dữ liệu nâng cao, sinh trắc học và các công nghệ liên quan giúp kiểm soát đi lại qua biên giới ở các quốc gia châu Âu (kiểm soát biên giới tự động - ABC eGates, giáo sư James Ferryman cho rằng, việc ứng dụng ABC eGates tại các sân bay đã cho phép xác minh sinh trắc học được thực hiện bằng hộ chiếu nhanh hơn và chính xác hơn so với kiểm tra thủ công truyền thống.

Theo Giáo sư James Ferryman, đây cũng là một giải pháp hiệu quả mà Đà Nẵng và các đô thị ở Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình xây dựng thành phố thông minh thời gian tới.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp Việt Nam - Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cho biết: Hiện Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số tại các đô thị.

Đó là: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu; Vấn đề dữ liệu y tế, đặc biệt là việc thực hiện và khai thác các hồ sơ y tế điện tử; Vấn đề phân tích dữ liệu giao thông trong việc giảm tai nạn đi lại và cải thiện việc vận chuyển.

Trong khi đó, Giáo sư Alex Singleton, ngành Khoa học thông tin Địa lý Đại học Liverpool (Vương quốc Anh) lại nhấn mạnh đến vai trò của việc sử dụng dữ liệu của người tiêu dùng để làm rõ cấu trúc và chức năng của các thành phố.

Theo ông Alex Singleton, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu Người tiêu dùng (ở Vương quốc Anh) đã cung cấp cái nhìn mới về cấu trúc và chức năng của các thành phố, giúp các nhà quản lý hiểu thêm về lĩnh vực phân tích dữ liệu vào phát triển bền vững các thành phố ở Anh. Đây cũng là một gợi ý cho Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN khác.

Để giải quyết các nhu cầu cấp bách đó về phát triển đô thị thì nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ngành khoa học phân tích dữ liệu.

Theo các chuyên gia, phân tích dữ liệu giúp cho quy hoạch thiết kế đô thị một cách tối ưu, đồng thời quản lý các hoạt động của thành phố hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Có nhiều giải pháp để đẩy mạnh lĩnh vực quan trọng này.

Từ các nghiên cứu có tính nền tảng như tính chất của các mạng lưới lớn, các phương pháp tối ưu hoá hiện đại, phương pháp tính toán phân tán, cho đến các nghiên cứu có tính ứng dụng cao như việc phân tích, mô hình hoá dữ liệu người tiêu dùng kết hợp với dữ liệu địa lý để phân tích cấu trúc thành phố; hệ thống phân tích nhân trắc học trên quy mô lớn để quản lý xuất nhập cảnh nhanh chóng; việc phân tích dữ liệu để đánh giá thị trường bất động sản và quy mô mở rộng của thành phố; việc phân tích dữ liệu để phát triển giao thông thông minh; và phát triển hệ thống theo dõi chất lượng không khí đô thị dựa trên mạng lưới cảm biến gắn trên phương tiện giao thông,…

Ngoài ra, để xây dựng thành phố thông minh, các chuyên gia cũng cho rằng cần phát triển công nghiệp du lịch thông minh, phát triển dịch vụ y tế và dinh dưỡng cá biệt hoá, thiết kế thành phố phục vụ sức khoẻ mà phân tích dữ liệu là bước đầu cần có.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục