Tuân thủ nghiêm vì chính mình và cộng đồng
Dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, cán bộ y tế mệt nhoài xét nghiệm truy vết mà vẫn không xuể. Hơn lúc nào hết đây là thời điểm ý thức phòng chống dịch của người dân cần được phát huy cao độ để có thể kiểm soát được dịch.
Mới đây, sau khi chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) bị phong toả để phòng, chống dịch thì nhiều tiểu thương vẫn tập kết hàng, bán hàng ở các tuyến đường xung quanh chợ, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Đang trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vẫn còn hình ảnh một số người dân Thủ đô ra đường tập thể dục, chạy bộ, đạp xe. Thậm chí, dư luận chia sẻ hình ảnh một người đàn ông ở quận Đống Đa ra chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh... tập đánh golf.
Một cặp vợ chồng ở Tây Hồ ra đường khi không có nhiệm vụ cần thiết, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra không những không tuân thủ mà còn chống đối.
Vẫn còn đó những trường hợp thờ ơ với các quy định phòng chống dịch, không coi nhiệm vụ chống dịch là trách nhiệm của bản thân.
Không những không có hành động thiết thực chống dịch, một bộ phận người dân còn thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, như khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, không tuân thủ các cảnh báo về phòng chống dịch, đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê, chỉ riêng trong ngày 4/8, các lực lượng chức năng tại Hà Nội đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 867 trường hợp vi phạm hành chính các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Trong đó, các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng có 43 trường hợp, bị xử phạt 77 triệu đồng; cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh 4 trường hợp với số tiền 60 triệu đồng; hành vi vi phạm khác gồm 820 trường hợp với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).
Nếu tính từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24/7) đến nay, con số xử phạt vi phạm là trên 14 tỷ đồng. Nhưng, không ai có thể cảm thấy vui với con số này.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, dịch Covid-19 đang rất phức tạp, các ổ dịch đang lan rộng, số ca mắc tăng cao, do vậy hơn lúc nào hết mỗi người không nên chủ quan, thờ ơ, bởi như Thủ tướng Chính phủ từng nói, chỉ cần một người lơ là, thì cả xã hội vất vả.
Cũng theo ông Phu, cán bộ y tế tuyến đầu đang quá vất vả trong điều trị ca bệnh, xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết.
Đã từ rất lâu, nhiều cán bộ y tế chưa có giây phút nào ngơi nghỉ, phải tạm xa gia đình, gác lại nhiều việc riêng để lên đường chống dịch. Áp lực, căng thẳng kéo dài đến kiệt sức, nhưng họ không một lời than vãn, tất cả vẫn luôn lặng thầm ngày đêm để bảo vệ bình yên cho nhân dân.
“Tại sao mỗi chúng ta lại không thể tạm gác những sở thích cá nhân, chấp nhận một vài bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt, áp dụng nghiêm quy định phòng dịch để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, để không còn tình trạng vì một vài người thiếu ý thức mà khiến nhiều người lao đao, vất vả. Mỗi người dân hãy tuân thủ nghiêm vì chính mình và cộng đồng, cho dù có thể chặt chẽ hơn cả Chỉ thị 16”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chia sẻ.
Chung quan điểm, theo Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, nếu một người không tuân thủ các biện pháp chống dịch, tiếp xúc làm lây lan dịch bệnh sẽ khiến lực lượng y tế làm công tác truy vết, xét nghiệm rất vất vả.
Tình trạng trắng đêm truy vết ca ca bệnh diễn ra nhiều tháng, nhiều ngày nay tại CDC Hà Nội. Cứ thêm một ca mắc mới là lại đêm trắng với các nhân viên của chúng tôi.
“Sức người có hạn, do vậy chúng tôi đều mong mỏi người dân có ý thức phòng dịch, trước hết là bảo vệ bản thân, sau là giúp cho cuộc chiến với "giặc covid" sớm kết thúc, để cán bộ y tế chúng tôi bớt nhọc nhằn”, ông Khổng Minh Tuấn nêu.
Trong cuộc chiến với dịch tại Thủ đô, cùng với chiến sĩ áo trắng, các lực lượng khác như công an, quân đội sẵn sàng lên đường khi đang ăn dở bát mì tôm với những trưa nắng oi ả trực chốt đến cháy da cháy thịt, những đêm dài không ngủ, tuần tra kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm.
Huy động tất cả các nguồn lực y tế
Trước sự phức tạp của dịch Covid-19 đang diễn ra ở Hà Nội, khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Hà Nội ngày 4/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý công tác chống dịch “thần tốc” nhưng phải “chắc” để không phải thay đổi, nhằm giữ sức cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân sớm hoạt động bình thường.
Phó Thủ tướng nêu, cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra mà tốt nhất là từ phản ánh của người dân. Đặc biệt lưu ý về việc phát động mô hình “vùng xanh” an toàn chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chống dịch như chống giặc, đây là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Việc bảo vệ Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.
Chính vì thế, Hà Nội cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm, kiểm soát triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân; luôn có phương án dự phòng, chủ động trong mọi tình huống; truy vết chỗ nào chắc chỗ đó, không bỏ lọt.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng khẳng định, công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trong, quyết định thành bại của chống dịch. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội xem lại năng lực xét nghiệm từ máy móc đến việc cải tiến quy trình để nâng công suất, chủ động triển khai phần mềm, liên thông kết quả xét nghiệm của các đơn vị; Huy động toàn bộ lực lượng bệnh viện tư nhân tham gia.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hà Nội có thể tận dụng sức dân bằng việc nhân viên y tế hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Hà Nội cần rà soát lại năng lực xét nghiệm, nhanh chóng tìm phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị thực hiện xét nghiệm từ cấp xã, phường đến Thành phố.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Thành phố đã chú ý đến các đối tượng shipper, chợ, siêu thị, nhà trọ và cho rằng đơn vị, doanh nghiệp lớn của Trung ương trên địa bàn phải thực hiện nghiêm hơn nữa giãn cách theo quy định của TP, như thế mới hiệu quả.
"Hà Nội cần tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần trách nhiệm, sáng tạo, nắm bắt thực tế, kết hợp với những hướng dẫn chuyên môn của các bộ ngành để vận dụng linh hoạt, phù hợp hơn với từng địa bàn, bảo vệ an toàn cho TP. Hà Nội đang thực hiện tốt Chỉ thị 16 và đang có thời gian để bình tĩnh xử lý mọi tình huống", Phó Thủ tướng yêu cầu.