Dịch Covid-19 tái bùng phát nguy cấp, Trung Quốc lập thành trì chống biến thể Delta

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc hiện giờ đang đối mặt với làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất do sự bùng phát của biến thể Delta sau nhiều tháng khống chế thành công dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc. Ảnh: AP. Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc. Ảnh: AP.

Riêng trong ngày (4/8), nước này đã ghi nhận 71 trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng. Mặc dù con số này tương đối nhỏ so với số ca mắc mới tăng vọt ở Mỹ, nhưng đây là con số cao nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/2021 đến nay.

Tính từ ngày 20/7 đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận gần 500 người mắc Covid-19 - chiếm tỷ lệ nhỏ so với dân số khoảng 1,4 tỷ người tại quốc gia này. Tuy nhiên, phạm vi của làn sóng Covid-19 mới rất rộng.

Các điểm nóng bùng phát tại hơn 30 thành phố, trên khắp 18 tỉnh. Số ca mắc mới theo ngày cũng tăng lên đều đặn trong gần 1 tuần qua.

Ông Zhong Nanshan – chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc cho biết: “Chúng ta không thể nghỉ ngơi. Chúng ta phải chú ý đến các biện pháp kiểm soát và tiến tới hình thành miễn dịch cộng đồng”.

Áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế

Trung Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp để hạn chế dịch bệnh, như tăng cường xét nghiệm Covid-19, phong tỏa, hủy chuyến bay, hoãn các sự kiện thể thao và gấp rút triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm chống lại biến thể Delta.

Ngày (4/8), Trung Quốc thông báo đã hạn chế việc đi lại quốc tế và sẽ chỉ cho phép người dân rời khỏi đất nước trong một số trường hợp nhất định. Tần suất các chuyến bay nội địa tới những vùng có số ca mắc Covid-19 cao cũng đưọc cắt giảm. Hoạt động vệ sinh, khử khuẩn đối với máy bay, khu vực sân bay được làm thường xuyên và chặt chẽ hơn.

Tâm dịch hiện tại của Trung Quốc là thành phố Nam Kinh – nơi ghi nhận ít nhất 223 trường hợp, khởi nguồn từ sân bay của thành phố này. Một nhân viên vệ sinh máy bay bay về từ Moscow đã mắc bệnh và lây nhiễm cho những người khác. Kể từ đó, 9 triệu người dân ở Nam Kinh đã phải làm xét nghiệm bắt buộc.

Các khu vực lân cận có nguy cơ cao và nguy cơ trung bình đã bị phong tỏa, sân bay bị đóng cửa, xe buýt bị cấm rời khỏi thành phố và mọi người chỉ được phép rời đi nếu họ có kết quả xét nghiêm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.

Nhà chức trách cũng phong tỏa khu đô thị chính của thành phố Dương Châu ở gần đó sau khi cảnh sát bắt giữ một phụ nữ vì tội khai báo gian dối lịch trình đi lại, gây ra sự bùng phát số ca mắc trong thành phố.

Một sự kiện siêu lây nhiễm Covid-19 khác được cho là đã xảy ra ngày 22/7 tại một buổi biểu diễn trong nhà hát tại thành phố du lịch Trương Gia Giới – nơi hàng nghìn khán giả tham dự ngồi sát cạnh nhau. Thành phố Trương Gia Giới với 15 triệu dân đang bị phong tỏa hoàn toàn. Tất cả khách du lịch đến tham quan trong mùa hè bị cấm rời khỏi đây.

Còn thành phố Vũ Hán – nơi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới đã tiến hành xét nghiệm bắt buộc cho 11 triệu người dân sau khi phát hiện 3 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng hôm 2/8.

Tranh cãi về chiến lược của Trung Quốc

Biến thể Delta đang thách thức chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, nước này phải thay đổi cách tiếp cận và xây dựng chiến lược chống dịch lâu dài hơn.

Chiến lược “không khoan nhượng” đó là cách ly ngay lập tức các trường hợp mắc và ngăn chặn những ca nhập cảnh từ nước ngoài đã giúp Trung Quốc kiềm soát làn sóng Covid-19 vào năm 2020. Nhưng tác động của các biện pháp hạn chế đối với công việc và cuộc sống của hàng triệu người đã cho thấy, Trung Quốc cần đưa ra chiến lược kiểm soát dịch bệnh mới thay vì liên tục đóng cửa nền kinh tế và hạn chế các hoạt động xã hội.

Khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, Trung Quốc đã đóng cửa phần lớn nền kinh tế và phong tỏa nhiều thành phố với tổng dân số 60 triệu dân – biện pháp phổ biến được chính phủ nhiều nước từ châu Á đến châu Mỹ áp dụng. Điều đó đã khiến nước này chịu sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong 5 thập kỷ.

Trong một bài đăng tải trên mạng xã hội chuyên gia y tế Zhang Wenhong tại Thượng Hải cho rằng, đợt bùng phát mới nhất này cho thấy Trung Quốc cần thay đổi chiến lược vì virus sẽ không biến mất. “Thế giới cần học cách chung sống với virus SARS-CoV-2”, ông nhấn mạnh.

Một số chuyên gia lo ngại phản ứng mạnh tay của Trung Quốc khi số ca mắc mới gia tăng, phần lớn ở những người được tiêm phòng trong thời gian gần đây, có thể làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng.

Xi Chen – chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Yale (Đại học Yale, Mỹ), cho rằng, Trung Quốc cần phải xây dựng các rào cản nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách đẩy mạnh tiêm phòng và điều trị nhanh chóng cho những người mắc bệnh, trong khi vẫn cho phép tiến hành hoạt động kinh doanh và du lịch. Theo ông, Bắc Kinh nên tiếp cận với đầy đủ các loại vaccine, trong đó có cả vaccine BioNTech do Đức phát triển.

“Tôi không cho rằng cần phải duy trì chiến lược “không khoan nhượng”. Ngay cả khi đóng cửa tất cả các khu vực ở Trung Quốc thì vẫn có nhiều ca tử vong vì Covid-19. Hơn nữa, sẽ có thêm nhiều người bị thiếu đói hoặc mất việc làm”, ông Xi Chen lưu ý.

Tuy vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng, chính sách chống dịch của Trung Quốc dù mạnh tay và nghiêm ngặt nhưng phần lớn đã có tác dụng ngăn chặn virus lây lan. Cho đến nay, số ca mắc Covid-19 được công bố chính thức và tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc vẫn khá thấp so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Phát biểu với CBS, Ben Cowling, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong cho rằng: “Trung Quốc đã rất thành công với chiến lược “zero Covid”' trong năm 2020. Điều đó đồng nghĩa với việc không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong 1 thời gian dài. Và khi xuất hiện đợt bùng phát mới xảy ra, họ cần phải đưa số ca mắc về con số 0 trong thời gian nhanh nhất có thể”.

“Sự xuất hiện của biến thể Delta khiến việc kiểm soát dịch bệnh sẽ rất khó khăn, nhưng tôi tin Trung Quốc có thể làm được điều đó”, ông Ben Cowling nói.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục