Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia và xã hội, chiến lược phát triển xanh gắn với tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) càng được quan tâm và bàn luận rộng rãi. Trong đó, trụ cột Quản trị (Governance) được đánh giá là thành tố quan trọng, đặt ra những yêu cầu vượt xa khuôn khổ đơn thuần là tuân thủ quy định của pháp luật cho không chỉ các tổ chức, mà cả các cá nhân.
Đặc biệt, vào thời điểm nhiều biến động, thách thức khó lường như hiện tại, các công ty càng cần “gia cố” năng lực nội tại, sẵn sàng thích ứng, đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu mới. Việc sở hữu một bộ máy quản trị hiệu quả, minh bạch, bền vững, vượt qua mặt bằng tuân thủ thông thường chắc chắn sẽ là lợi thế không thể phủ nhận để doanh nghiệp tiếp cận với những cơ hội đầu tư, phát triển trong tương lai.
Có bốn tố chất chung định hình nên các công ty quản trị tốt tại Việt Nam.
Hội đồng quản trị hiệu quả và thực chất
Hội đồng quản trị là cấp quản trị cao nhất và có ảnh hưởng then chốt đến sự phát triển bền vững của công ty. Thông thường, các doanh nghiệp có “sức chiến đấu” cao trong môi trường kinh doanh biến động sẽ sở hữu một hội đồng quản trị đa dạng về chuyên môn, giới tính, kinh nghiệm và hoạt động thực chất. Họ thường duy trì một tỷ lệ cao các thành viên hội đồng quản trị độc lập và xây dựng được một môi trường, nơi các thành viên độc lập phát huy được đúng vai trò trong việc phản biện các thành viên không độc lập và thực thi vai trò giám sát của mình.
Ngoài ra, hội đồng quản trị của các doanh nghiệp này luôn ý thức được việc nâng cao hiệu quả thực chất thông qua chủ động tự đánh giá hoặc thuê ngoài các tổ chức độc lập nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị cũng như từng thành viên hội đồng quản trị. Đáng lưu tâm hơn, một số ít các doanh nghiệp quản trị tốt còn thành lập được ủy ban đề cử nhằm tìm kiếm, giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị phù hợp cho từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp, tạo tiền đề kiến tạo một tương lai bền vững.
|
Đảm bảo quyền và khuyến khích sự tham gia tích cực thông qua quyền cổ đông
Khi đã kiện toàn một hội đồng quản trị phù hợp và hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp quản trị tốt luôn ý thức và tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản trị công ty vững mạnh thông qua việc cố gắng đảm bảo quyền cổ đông.
Các doanh nghiệp này triển khai các cơ chế trao đổi cởi mở, minh bạch cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ để các cổ đông có thể tiếp cận thông tin đầy đủ một cách minh bạch, phục vụ cho việc giám sát và đóng góp ý kiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. Việc họp đại hội cổ đông cũng trở nên linh hoạt với việc đưa ra nhiều phương án, ví dụ lựa chọn địa điểm tổ chức thuận tiện để các cổ đông tham gia, tổ chức họp kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, bỏ phiếu ủy quyền.
Ủy ban kiểm toán giám sát chặt chẽ rủi ro và hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp
Là cấp quản trị cao nhất, hội đồng quản trị có trách nhiệm tối cao trong việc định hướng, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, các vấn đề liên quan đến rủi ro danh tiếng, tài chính, pháp lý, hoạt động kinh doanh liên tục là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Trên thực tiễn, các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao và hoạt động hiệu quả rất chú trọng vào việc thành lập ủy ban kiểm toán để thực thi công tác giám sát rủi ro. Bên cạnh việc bổ nhiệm một thành viên độc lập của hội đồng quản trị đứng đầu ủy ban kiểm toán theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp quản trị tốt còn rất chú trọng vào việc xây dựng và phát triển bộ công cụ, phương pháp làm việc chuyên nghiệp cho ủy ban này, như cơ chế làm việc rõ ràng với ban điều hành, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với kiểm toán nội bộ, trao đổi chặt chẽ với kiểm toán độc lập...
Ngoài ra, ủy ban kiểm toán của các doanh nghiệp này cũng dành nhiều sự quan tâm vào việc giám sát giao dịch với các bên liên quan như cổ đông, người liên quan của cổ đông, hội đồng quản trị... để nâng cao tính minh bạch và vì giá trị chung của công ty.
ESG - hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội
Dù thực hành ESG để phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có những cam kết mạnh mẽ, rõ ràng, minh bạch trên lộ trình triển khai mục tiêu này. Đáng nói, một số doanh nghiệp triển khai ESG chỉ vì theo phong trào, một số khác tiếp cận ESG một cách bị động vì có những áp lực cụ thể từ khách hàng hoặc ngân hàng, cổ đông.
Theo quan sát của chúng tôi, đa phần các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao đều có ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của ESG trong dài hạn. Điều này thể hiện rõ qua việc doanh nghiệp chủ động thành lập ủy ban ESG thuộc hội đồng quản trị, xây dựng chiến lược ESG, đánh giá một cách bài bản các khía cạnh trọng yếu khi triển khai ESG theo các thông lệ chuẩn để quyết định bộ chỉ số phù hợp nhằm đo lường các mục tiêu.
Các mục tiêu ESG này có thể được kể đến như tỷ lệ năng lượng tái tạo so với tổng năng lượng tiêu thụ (%), tỷ lệ tai nạn lao động (số vụ trên 100 nhân viên), tỷ lệ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường (%), tổng lượng CO2 phát thải (tấn) hoặc lượng CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm, tổng giá trị đóng góp cho cộng đồng (USD hoặc VND)...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp quản trị tốt còn duy trì báo cáo theo tiến độ về tình hình thực hiện, hoàn thành các kết quả mục tiêu ESG qua từng năm, từ đó nâng cao tính minh bạch và gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư có trách nhiệm.
Tóm lại, quản trị công ty không chỉ là một trong những yếu tố then chốt, mà còn là động lực giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một môi trường kinh doanh biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ. Những doanh nghiệp xây dựng được một hệ thống quản trị mạnh mẽ đều đang tạo ra những giá trị dài hạn cho cổ đông và các bên liên quan. Các doanh nghiệp này không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý và trách nhiệm xã hội, mà còn chứng tỏ khả năng thích ứng và đổi mới, củng cố niềm tin với các bên liên quan. Chính sự minh bạch và quản trị hiệu quả giúp họ duy trì vị thế vững mạnh, tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững và trở thành hình mẫu trong quản trị hiện đại.