Báo cáo Phát triển bền vững 2024: Nhiều tiến bộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bối cảnh phát triển bền vững nói chung và chống biến đổi khí hậu nói riêng có nhiều điểm mới tại Việt Nam và trên thế giới.
Ông Nguyễn Viết Thịnh , Tổng Giám đốc CGS Việt Nam, Hội viên ACCA, Trưởng nhóm bình chọn Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp niêm yết Ông Nguyễn Viết Thịnh , Tổng Giám đốc CGS Việt Nam, Hội viên ACCA, Trưởng nhóm bình chọn Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp niêm yết

Năm 2024 áp lực từ biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hội nghị COP28 tại Dubai mặc dù đạt được những bước tiến quan trọng về tài chính với cam kết bổ sung cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại cùng Quỹ Khí hậu xanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính thực tế để đạt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0). Ngoài ra, hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và thiết lập mục tiêu toàn cầu về thích ứng, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và vai trò của các bên phi chính phủ.

Tại Việt Nam, trong khi tiến độ triển khai kiểm kê phát thải khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022 của Chính phủ còn chưa đạt kỳ vọng thì ngày 13/8/2024, Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nâng số lượng cơ sở cần kiểm kê khí nhà kính lên 2.166 cơ sở. Cột mốc tiếp theo các doanh nghiệp cần lưu ý là việc hoàn tất và nộp báo cáo kiểm kê khí thải trước ngày 31/3/2025. Ở góc độ nguồn vốn, trong thời gian qua, hàng loạt ngân hàng tại Việt Nam đã đưa ra các chương trình tài trợ cho các dự án xanh, cho thấy sự chuyển dịch trong xu hướng tài chính nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế bền vững.

Các thay đổi về tiêu chí đánh giá

Trong năm 2024, tiêu chí chấm giải báo cáo phát triển bền vững đã có những điều chỉnh và bổ sung để đáp ứng tốt hơn các xu hướng và yêu cầu hiện hành. Các thay đổi chính trong tiêu chí đánh giá năm nay bao gồm:

- Cải thiện chất lượng của thông tin công bố về phát thải khí nhà kính. Các báo cáo trình bày, giải thích rõ ràng thông tin khí nhà kính, bám sát các quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành. Các doanh nghiệp vượt trên tuân thủ, báo cáo phát thải khí nhà kính theo phạm vi 3 với các căn cứ và giải thích phù hợp cũng sẽ được cộng thêm điểm.

- Tiêu chí tài chính xanh lần đầu tiên được áp dụng để ghi nhận nỗ lực của các tổ chức tài chính cũng như của doanh nghiệp trong việc xây dựng được một khung tài chính xanh để huy động và quản lý nguồn vốn sử dụng đúng mục đích.

- Các doanh nghiệp áp dụng đúng tiêu chuẩn GRI 2021 (phiên bản mới nhất) sẽ đạt điểm tốt hơn các doanh nghiệp áp dụng các phiên bản cũ hơn. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn một bộ tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn phục vụ nhà đầu tư như TCFD, IFRS… sẽ được đánh giá cao hơn các doanh nghiệp chỉ sử dụng một tiêu chí duy nhất.

Chuyển động tích cực

Số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng tăng kỷ lục

Về tổng quan, số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm nay đã tăng kỷ lục từ 21 doanh nghiệp lên 33 doanh nghiệp, nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm. Đây cũng là mùa báo cáo có số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng biệt và các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua. Điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng.

Các tổ chức dịch vụ tài chính bắt đầu lên tiếng

Các tổ chức dịch vụ tài chính luôn đạt được giải cao và áp đảo trong các hạng mục về báo cáo thường niên và quản trị công ty trong các năm trước đây, nhưng không phải là đối với báo cáo phát triển bền vững.

Những năm trước, thường chỉ có 2-3 báo cáo trong ngành này được lập riêng biệt, chiếm khoảng 10% tổng số báo cáo. Tuy nhiên, trong mùa báo cáo năm nay, trong số 33 báo cáo phát triển bền vững riêng biệt được đánh giá, có đến 10 báo cáo (chiếm gần 30%) được soạn lập bởi các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính, gồm 6 báo cáo từ ngân hàng, 2 báo cáo từ công ty bảo hiểm và 2 báo cáo từ các công ty tài chính và chứng khoán.

Không hẹn mà gặp, năm nay có đến 5 ngân hàng lập báo cáo phát triển bền vững lần đầu, bao gồm BIDV (mã BID), OCB (mã OCB), HDBank (mã HDB), LPBank (mã LPB) và MSB (mã MSB). Các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng trong vai trò cung cấp tài chính cho nền kinh tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việc các tổ chức tài chính lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt cũng cho thấy sự cam kết rất cao của các ngân hàng đối với các cổ đông, tổ chức cung cấp vốn, nhà đầu tư về phát triển bền vững.

Nhiều điểm sáng

Trong kỳ báo cáo lần này, chúng ta nhận thấy nhiều điểm mới, tích cực, thể hiện qua sự tiến bộ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và chiến lược bền vững của các doanh nghiệp (cả tài chính và phi tài chính):

- Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được duy trì và mở rộng. Ngoài GRI, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thêm các tiêu chuẩn khác như CDP (Carbon Disclosure Project), SASB (Sustainability Accounting Standards Board) và SDG (Sustainable Development Goals), giúp gia tăng tính toàn diện và minh bạch trong báo cáo. Đã có nhiều hơn các báo cáo áp dụng các tiêu chuẩn ngành như Petrolimex (mã PLX), Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Vinamilk (mã VNM)… giúp các báo cáo trở nên tin cậy hơn đối với người đọc.

- Năm 2024 ghi nhận số lượng các doanh nghiệp đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và năng lượng tăng đáng kể so với năm 2023. Những doanh nghiệp điển hình trong việc thiết lập các mục tiêu này bao gồm Vinamilk, Gemadept (mã GMD), Sợi Thế Kỷ (mã STK), Đạm Cà Mau (mã DCM)... Đây là thông điệp mạnh mẽ cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu, mà đã biến thành hành động cụ thể của các doanh nghiệp.

- Về quản trị, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành lập ủy ban ESG, thể hiện cam kết của họ trong việc quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Dường như, việc chuyên môn hóa tại cấp quản trị cao nhất của doanh nghiệp về phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng.

- Số lượng doanh nghiệp báo cáo các chỉ số định lượng theo thông lệ tốt đã tăng lên đáng kể so với năm trước.

- Không chỉ doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau cũng bắt đầu đặt ra các mục tiêu cụ thể về năng lượng và phát thải, thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ về ý thức bền vững.

- Mùa báo cáo năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên công bố báo cáo phát triển bền vững, bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính như Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), PC1 Group (mã PC1), Dệt may Hòa Thọ (mã HTG), Biwase (mã BWE)...

l Vấn đề đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững cũng bắt đầu được một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Đạm Cà Mau, Thực phẩm Sao Ta, PAN Group (mã PAN)... quan tâm.

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù có nhiều thay đổi tích cực so với năm trước, song vẫn có những điểm cần được cải thiện trong mùa báo cáo năm nay:

- Nhiều doanh nghiệp vẫn tham chiếu đến các tiêu chuẩn GRI cũ (G4, 2016) thay vì các phiên bản mới hơn. Đa số dừng ở mức độ tham chiếu cơ bản đến GRI.

- Trong báo cáo thiếu các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được, thực tế và có thời hạn (SMART), dẫn đến việc thiếu sự rõ ràng và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững. Ngoài ra, việc thiếu dữ liệu và phân tích khiến báo cáo chưa phản ánh đầy đủ bản chất của số liệu và giải thích cho sự tăng/giảm giữa các kỳ, khó đánh giá tiến độ của mục tiêu.

- Phần lớn các doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 khung báo cáo của GRI mà không khai thác các khung báo cáo khác, đặc biệt là các khung theo ngành, dẫn đến thiếu tính đa dạng và chi tiết trong báo cáo.

- Việc đảm bảo thông tin trong báo cáo còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến độ tin cậy của dữ liệu và thông tin được công bố.

- Đối với công bố thông tin phát thải khí nhà kính, dù mùa báo cáo năm nay đã được chú trọng hơn, nhưng số lượng doanh nghiệp thực hiện còn hạn chế. Việc báo cáo phát thải ở phạm vi 3, bao gồm các phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng, rất ít được doanh nghiệp áp dụng và độ tin cậy của các báo cáo này cũng còn thấp.

- Đối với phát thải phạm vi 1 và 2, tỷ lệ báo cáo của doanh nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể. Đặc biệt, gần 2/3 đơn vị lọt vào chung khảo đã thực hiện công bố thông tin phát thải khí nhà kính, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong ý thức trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp.

Sự bùng nổ về số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng và sự tham gia tích cực của ngành dịch vụ tài chính trong mùa báo cáo năm nay là một tín hiệu lạc quan cho thị trường vốn ở khía cạnh công bố thông tin về phát triển bền vững. Trong các mùa báo cáo tiếp theo, mong rằng các doanh nghiệp niêm yết sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng công bố thông tin và có các hành động phát triển bền vững thực chất hơn. Áp dụng nhiều hơn các khung báo cáo chuyên ngành và các khung báo cáo phù hợp với lợi ích của các bên có liên quan.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục