Chia cổ tức: Lắm mối khối chuyện bực

(ĐTCK) Đại chúng hóa công ty, đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo sẽ phải chấp nhận chuyện “làm dâu trăm họ”. Trong đó, chia cổ tức là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nhất giữa các nhóm cổ đông khác nhau tại công ty đại chúng.
Chia cổ tức: Lắm mối khối chuyện bực

Từ băn khoăn “chia hay không chia cổ tức”?

“Năm vừa rồi lãi lớn như vậy, ít nhất cũng phải chia cổ tức khoảng một nửa lợi nhuận?”, giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán thuộc Top 10 thị phần môi giới nhận xét như vậy trong cuộc làm việc với doanh nghiệp về phương án tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2016-2017. Nhận xét của vị này làm chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp gần như méo mặt.

Câu chuyện không phải là có lợi nhuận hay không, mà bởi với kế hoạch kinh doanh đang căng như dây đàn, cần huy động nguồn lực cho việc mở rộng hoạt động, toàn bộ dòng tiền thu được từ bán hàng, bao gồm cả lợi nhuận của Công ty, chưa kịp ấm chỗ trong tài khoản đã chạy vào dự án mới.

Trả cổ tức bằng tiền, đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải chịu mức phát hành tỷ lệ lớn hơn, rủi ro cao hơn (do tiền đã chi ra, đã phải chịu chi phí cho khoản tiền này và điều chỉnh giá về thấp hơn, khiến việc phát hành có thể không thuận lợi như kỳ vọng). Thế nhưng, đơn vị tư vấn cho rằng, nếu không chia cổ tức bằng tiền, thị trường sẽ ấm ức, vì doanh nghiệp chỉ biết thu về mà không thực hiện chi trả ra.

Có lẽ, làm đẹp lòng dư luận trong tình huống của doanh nghiệp này là câu trả lời chung cho không ít trường hợp doanh nghiệp niêm yết thời gian qua, khi họ đồng thời vừa chia cổ tức bằng tiền, vừa phát hành cổ phiếu. Thông thường, việc chia cổ tức bằng tiền diễn ra khi doanh nghiệp có lãi và không có nhu cầu giữ lại nguồn vốn để tái đầu tư. Thế nhưng, việc phát hành mới cho cổ đông hiện hữu lại được giải thích bằng nhu cầu đầu tư vốn trong tương lai của doanh nghiệp.

Trừ trường hợp chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cho các cổ đông khác, rõ ràng, khi doanh nghiệp thực hiện 2 nghiệp vụ này song song, người thiệt hại cuối cùng là cổ đông, chứ không phải ai khác.

So với phương án chỉ phát hành cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ thấp hơn, cổ đông cá nhân đã bị thiệt đơn thiệt kép, khi vừa bị mất thanh khoản tạm thời một phần vốn được chia cổ tức (do phải chờ ngày thực hiện), vừa phải chịu thuế thu nhập tính trên cổ tức được nhận (với nhà đầu tư cá nhân), vừa không được hưởng lợi gì tại ngày giao dịch không hưởng quyền (vì điều chỉnh giá).

Thế nhưng, điểm lại một loạt doanh nghiệp niêm yết, việc phát hành thêm bằng quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu kết hợp chia cổ tức vẫn được thực hiện tràn lan trong nhiều năm, từ những doanh nghiệp tên tuổi như: NSC (năm 2014 chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1); HUT (năm 2016, trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7% và chào bán tỷ lệ 10:7); DP3 (năm 2016, trả cổ tức tỷ lệ 16% bằng tiền và chào bán tỷ lệ 4:1)… 

Đến bạo tay chia cổ tức

Năm 2015, lợi nhuận của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) tăng mạnh lên mức gần 1.500 tỷ đồng, so với con số gần 1.100 tỷ đồng của năm 2014. Thế nhưng, so với các năm từ 2013 trở về trước, con số này dường như chưa thấm vào đâu, khi năm 2011, 2012, Công ty đều đạt mức trên 3.000 tỷ đồng lãi sau thuế công ty mẹ. Thế nhưng, mức chia cổ tức của Đạm Phú Mỹ vẫn không hề kém cạnh, khi HĐQT Công ty sẽ trình ĐHCĐ thông qua phương án chia cổ tức 40% bằng tiền mặt.

Với doanh nghiệp dường như chẳng có gì ngoài tiền và cơ hội kiếm tiền, thì chuyện chia cổ tức tỷ lệ tới 40% cũng không phải là quá ngạc nhiên. Nhưng, trong câu chuyện này, với động thái thực hiện chính sách chia cổ tức khá cao của nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí, thị trường tin rằng, điều này dường như có mối liên hệ với sự khó khăn của ngành do giá dầu thô giảm mạnh thời gian qua.

Không chỉ trường hợp Đạm Phú Mỹ, tại một doanh nghiệp khác đang niêm yết trên HOSE, các cổ đông những ngày gần đây cũng tỏ ra ngỡ ngàng, khi lâu lắm rồi, họ mới được chia cổ tức, và đáng nói hơn, mức chia cổ tức này vượt rất xa con số dự kiến ban đầu. Tất nhiên, điều này đi kèm với kết quả kinh doanh khả quan mà doanh nghiệp đã đạt được trong năm 2015, nhưng một số cổ đông lớn của công ty lại tỏ ra không mấy hài lòng.

Đại diện một nhà đầu tư tổ chức của công ty này cho biết, con số lợi nhuận lớn năm qua không đến từ hoạt động kinh doanh bình thường, mà theo kiểu, những gì có thể tạo được lợi nhuận đều được hiện thực hóa hết và lãnh đạo doanh nghiệp muốn chia cổ tức theo kiểu chia sạch, do chuẩn bị chuyển sang làm vị trí khác. Vị này trăn trở, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn cạnh tranh lớn do các doanh nghiệp khác tranh thủ cơ hội mở rộng thị phần, đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn doanh nghiệp này, đã chia hết thì lấy đâu nguồn lực để chuẩn bị cho giai đoạn tới? 

Những trường hợp nói không với chia tiền

Trích dẫn lại phát ngôn của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: “Đừng đòi chia cổ tức, trái ngọt nằm ở cuối con đường, không phải ven đường”, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đang niêm yết ngành hàng tiêu dùng cũng cho rằng, chủ trương của Công ty là không chi một đồng cổ tức bằng tiền.

Theo vị này, nhà đầu tư nên học cách định giá giá trị doanh nghiệp, chứ không phải là giao dịch theo mấy chỉ tiêu P/E, P/B…, vì điều này không phù hợp với những doanh nghiệp có thương hiệu, có vị thế thị trường như Công ty. Trong 3 năm qua, giá trị Công ty đã tăng chóng mặt nhờ việc tái đầu tư hiệu quả nguồn lợi nhuận giữ lại. Thế nhưng, quan điểm này của Ban lãnh đạo doanh nghiệp bị nhà đầu tư phản đối gay gắt, đặc biệt các nhà đầu tư là cổ đông mua cổ phiếu từ khi cổ phần hóa.

“Chúng tôi đầu tư thay vì gửi tiết kiệm. Nếu Công ty không chia cổ tức, thì chúng tôi biết lấy gì để sống, không lẽ phải bán dần cổ phiếu”, một nhà đầu tư phát biểu.

Và cổ đông này cũng cho rằng, tham vọng của Ban lãnh đạo doanh nghiệp là lớn, họ đồng ý, nhưng không thể chờ 10-20 năm để nhận quả ngọt được, vì “không biết chúng tôi sống đến bao giờ. Trong khi đó, điều buồn nhất là chúng tôi không thể “giáo dục” thị trường chung đánh giá Công ty như cách mà các vị đang đánh giá, nên chuyện định giá doanh nghiệp một kiểu, thị giá một đằng vẫn diễn ra, và chúng tôi là người chịu thiệt”.

Trong không ít trường hợp, chia cổ tức luôn là bài toán gây tranh cãi gay gắt giữa các nhóm cổ đông lớn tại các cuộc họp trù bị. Thế nhưng, với việc mâu thuẫn trong mục đích đầu tư, khẩu vị rủi ro, thời hạn đầu tư giữa các nhóm cổ đông, thì có lẽ, lối ra cho các nhà đầu tư đại chúng không phải là đấu tranh, mà là thay đổi nhóm doanh nghiệp mục tiêu. Những thương vụ đầu tư dài hơi với chủ trương gia tăng giá trị doanh nghiệp phù hợp với các nhà đầu tư ngành dọc, quỹ đầu tư không đại chúng quy mô lớn. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu không lướt sóng, thì tốt hơn, nên chọn doanh nghiệp có chính sách chia cổ tức tối thiểu bằng gửi tiết kiệm ngân hàng.          

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục