Chia cổ phiếu quỹ STB: Vì sao không điều chỉnh giá?

(ĐTCK) Không phải lần đầu tiên câu chuyện chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu được doanh nghiệp niêm yết trên HOSE được thực hiện. Thế nhưng, cách ứng xử với từng trường hợp lại có sự khác biệt!
Chia cổ phiếu quỹ STB: Vì sao không điều chỉnh giá?

Câu chuyện Sacombank

Ngày 16/10/2015 là ngày đặc biệt với cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB), khi đó là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ lợi nhuận năm 2013 và năm 2014; nhận cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ kết hợp với chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10%; phát hành cổ phiếu hoán đổi cổ phần, kết thúc (trên giấy tờ) quá trình sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào vào Sacombank.

Bỏ qua các câu chuyện hậu sáp nhập, về sở hữu, cổ đông "bỗng dưng" thấy cổ phiếu sở hữu tăng lên, tiền trong túi có thể được tăng lên, mà không cần một thay đổi về chất của doanh nghiệp! Một ngày có thể là tuyệt vời, trong tình huống cổ phiếu không bị nhà đầu tư đua bán sàn.

Theo thông báo của HOSE, trong số 342,753 triệu cổ phiếu phát hành thêm và cổ phiếu quỹ chia cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng này, chỉ có số cổ phiếu phát hành từ nguồn cổ tức và thặng dư vốn cổ phần mới bị điều chỉnh giá. Phần cổ phiếu phát hành từ phân phối cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị điều chỉnh.

Như vậy, lượng cổ phiếu thêm mới vào tài khoản nhà đầu tư với tỷ lệ 8,49% sẽ không bị điều tính điều chỉnh giá, dù đây là khoản bỗng nhiên sinh ra. Một cách hiểu đơn giản, chỉ sau một đêm ngủ dậy, vào sáng ngày 16/10, các cổ đông STB sẽ bỗng nhiên “giàu” thêm 8,49% mà Ngân hàng không cần phải kinh doanh hay làm bất cứ điều gì cả!

Câu chuyện khác của TLH

Chia cổ phiếu quỹ không phải là câu chuyện lần đầu xuất hiện trên TTCK Việt Nam. Năm 2012, thị trường nhớ đến 2 trường hợp điển hình cũng xin chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu là cổ phiếu TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên và PHT của CTCP Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến. Thế nhưng, cả 2 khi đó đã phải hủy ngang phương án ngay trước giờ G, dù trước đó đã có thông báo ngày giao dịch không hưởng quyền. 

Lý do TLH phải hủy phương án này là để chờ hướng dẫn của luật.

Có 2 vấn đề lớn nhất trong câu chuyện của Thép Tiến Lên khi đó, ở mặt hạch toán và câu chuyện điều chỉnh giá.

Về mặt hạch toán, việc thực hiện chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông khi đó dẫn đến câu hỏi: TLH sẽ hạch toán phần cổ phiếu quỹ này như thế nào trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp? Khi đó, vấn đề được quan tâm là, nên coi cổ phiếu quỹ là một tài sản (thì mới được đem cho), hay là một bút toán thể hiện phần giảm đi của vốn góp chủ sở hữu.

Vấn đề này sau đã được giải quyết bằng Thông tư số 130/2012/TT-BTC hướng dẫn mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng ban hành ngày 10/8/2012. Theo đó, việc chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu được thực hiện khi có nghị quyết ĐHCĐ, có đủ nguồn đối ứng (từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận chưa phân phối hoặc các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu).

Vấn đề lớn thứ hai là có điều chỉnh giá cổ phiếu quỹ hay không? Đây là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm và bà Trần Thị Anh Đào, khi đó là Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết, nay là Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, HOSE cũng rất băn khoăn và chưa có phương án xử lý với trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ của TLH.

Vậy vì sao trường hợp của STB hiện nay lại không phải điều chỉnh giá tham chiếu với lượng cổ phiếu quỹ chia cho cổ đông?

Đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề có điều chỉnh hay không giá cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ phiếu quỹ. Sự khó xử này xuất phát từ câu chuyện, khi DN mua cổ phiếu quỹ thì không có điều chỉnh giá, tính tỷ trọng vốn hóa trong VN-Index không được điều chỉnh. Thế nhưng, với trường hợp này, doanh nghiệp có chi tiền ra đi kèm với mua cổ phiếu quỹ.

Khi chia cổ phiếu quỹ lại khác. Doanh nghiệp không có thay đổi gì về bản chất tài sản, nhưng sở hữu nhà đầu tư về tiền thì khác. Chỉ qua 1 đêm, nhà đầu tư đã giàu thêm gần 8,5% đầy vô lý.

Trường hợp STB nếu làm thành công, sẽ tạo 1 tiền lệ cho doanh nghiệp niêm yết. Thay vì phát hành thêm để chia cổ tức bằng cổ phiếu, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ và chia cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ 5-10% có thể sẽ không phải là sự khác biệt quá lớn giữa 2 cách ứng xử của doanh nghiệp trong chia cổ phiếu, nhưng nếu tỷ lệ chia là 20%, câu chuyện sẽ là một sự khác biệt khủng khiếp.

Sự khác biệt giữa 2 trường hợp TLH và STB và có thể sẽ là mất công bằng cho các nhà đầu tư ở những doanh nghiệp khác nữa. Và câu hỏi cần trả lời ở đây là tại sao có sự khác biệt này?

Có nên điều chỉnh giá?

Rõ ràng, không có bất kỳ giải thích nào đủ logic và phù hợp cho việc kinh tế nào tài sản của NĐT bỗng một ngày được tăng lên nhiều, trong khi doanh nghiệp không có sự thay đổi về chất. Và vì thế, việc không điều chỉnh giá là vô lý và có thể không công bằng với các NĐT ở các doanh nghiệp khác nhau.
Một quan chức UBCK của UBCK khi trao đổi với ĐTCK cũng cho rằng, mua cổ phiếu quỹ thì không điều chỉnh giá, nhưng chia cổ phiếu quỹ thì cần điều chỉnh. Việc điều chỉnh có thể không theo hướng giảm mạnh như đối với chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng, nhưng có thể theo hướng nới rộng biên độ.
Đây là cách làm đã được HNX áp dụng với trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Vị này cũng cho rằng, có lẽ, khó xử của HOSE nằm ở việc, trên Sở không thể áp dụng biên độ lệch. Thế nhưng, vì một vấn đề kỹ thuật mà những khoản lợi bất thường, mà kéo theo đó có thể là một vài phiên giảm sàn, hoặc sự bất bình đẳng trên TTCK, thì thật đáng xem xét.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục