Rõ khái niệm vốn đầu tư công
Tại cuộc họp cho ý kiến lần cuối Dự thảo Luật Đầu tư công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào cuối tuần trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển đã nhận định, về cơ bản, nội dung Dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; làm rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
“Chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điểm thì có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7”, ông Hiển nói. Một vài điểm mà ông Hiển nêu lên cần phải sửa đổi, bổ sung là quy định về khái niệm vốn đầu tư công; kế hoạch đầu tư trung hạn; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Theo Dự thảo, vốn đầu tư công bao gồm ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng nhà nước...
Phải nói thêm, đây cũng chính là các nội dung mà Chính phủ quan tâm thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật này đã cho biết, trong cuộc làm việc vào ngày 20/2/2014 về Dự thảo Luật Đầu tư công, Chính phủ cơ bản đồng ý với khái niệm đầu tư công trong Dự thảo.
“Tuy nhiên, theo đề xuất của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và cũng được các bộ, ngành đồng ý, tín dụng nhà nước sẽ được đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đầu tư công. Vì trên thực tế, nguồn vốn này (do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện) đang thu hẹp dần. Hơn thế, những dự án có sử dụng vốn tín dụng nhà nước thường chỉ sử dụng một phần với lãi suất ưu đãi, nhưng vẫn phải thực hiện vay trả bình thường như vay thương mại, còn lại là sử dụng nguồn vốn khác. Nếu Dự thảo Luật Đầu tư công điều chỉnh cả vốn tín dụng nhà nước thì sẽ làm khó cho các thành phần tham gia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng kiến nghị, thay cho “tín dụng nhà nước”, nên đưa “các khoản vốn Chính phủ vay về cho vay lại” (do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quản lý) vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đầu tư công. “Như vậy, vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này và phù hợp với các luật khác, nhất là Luật Ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.
Thể chế quy trình quyết định đầu tư
Được biết, tại cuộc họp ngày 20/2/2014, Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục thực hiện quy trình đầu tư dự án nhóm A trong kế hoạch đầu tư trung hạn như hiện nay.
Cụ thể, Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái, trái phiếu chính phủ; tổng mức vốn và danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia. Về danh mục dự án nhóm A, Chính phủ sẽ quyết định.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Quốc hội chỉ nên quyết định danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia chứ không nên quyết định cả danh mục dự án nhóm A vì không đủ sức làm. “Quốc hội quyết định mục tiêu, kế hoạch đầu tư trung hạn, tổng mức vốn đầu tư trung hạn và tăng cường hoạt động giám sát. Việc quyết định từng dự án cụ thể, ngoại trừ dự án trọng điểm quốc gia, nên giao Chính phủ thực hiện để dễ điều hành và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Ksor Phước kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư công cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đầu tư công theo hướng, cá cơ quan dân cử và Chính phủ chỉ quyết định chủ trương đầu tư, danh mục đầu tư. Còn quyết định đầu tư cụ thể từng dự án, cần phải giao cho cá nhân chịu trách nhiệm.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án nhóm A, dự án sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định đầu tư dự án nhóm B và nhóm C thuộc nguồn vốn do cơ quan mình quản lý, những dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án nhóm B, nhóm C đầu tư từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn đầu tư, nhưng không đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân các cấp.
“Quy định như vậy vừa bảo đảm quản lý nguồn đầu tư công chặt chẽ, hiệu quả, chống xin - cho, tăng cường được khả năng giám sát, đồng thời có chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân trong trường hợp ra quyết định đầu tư gây lãng phí, kém hiệu quả”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bình luận.
Theo kế hoạch, ngày mai, 27/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư công tại TP.HCM.