Chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không phải là pháp lệnh

“Đừng quá coi trọng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vì chỉ tiêu này không phải là pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện bằng mọi giá”.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Cuối cùng, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như dự kiến ban đầu. “Đừng quá coi trọng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vì chỉ tiêu này không phải là pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện bằng mọi giá”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu phục hồi từ tháng 5 và ngày càng khởi sắc, nhưng năm nay rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8% như Nghị quyết 85/2019/QH14 đặt ra, thưa ông?

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được phục hồi, nhưng còn lâu, nền kinh tế mới phục hồi trở lại bình thường. Đừng thấy doanh nhiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hoạt động trở lại như trước khi có dịch mà vội mừng. Muốn biết thực tế ra sao, hãy nhìn vào số thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong tháng 5/2020, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước chỉ bằng 65,8% so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, mặc dù số thu trong 3 tháng đầu năm khá cao do doanh nghiêp, tổ chức, cá nhân nộp số thuế còn thiếu năm 2019 sau khi thực hiện quyết toán (ngày 31/1/2020), thì tổng số thu 5 tháng đầu năm cũng chỉ bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 6 và 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách nhà nước sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Nhìn vào đây để thấy, năm nay, chắc chắn không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,8%.

Vậy theo dự báo của ông, GDP năm nay sẽ tăng trưởng khoảng bao nhiêu?

Điều này phụ thuộc vào 19 đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch lớn nhất của nước ta bao giờ quay trở lại hoạt động bình thường. Với những diễn biến trong thời gian gần đây, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP quý II còn thấp hơn quý I và tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm dao động trong khoảng 3 - 3,4%.

Các đối tác lớn của Việt Nam đều có kế hoạch chấm dứt giãn cách xã hội, đưa nền kinh tế quay trở lại bình thường vào tháng 8 năm nay. Việt Nam có lợi thế là về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh kể từ giữa tháng 4 và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường từ tháng 5.

Chúng ta đã thực hiện rất tốt phương châm “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”, mở cơ hội cho nền kinh tế sớm đi vào vận hành trở lại. Đây cũng chính là cơ hội rất tốt để kinh tế Việt Nam gia nhập chuỗi sản xuất, phân phối mới trên thế giới sẽ được hình thành vào quý IV/2020 hoặc đầu năm 2021. Nhưng đó chỉ là “hy vọng ở thì tương lai”, vì không ai có thể dự báo Covid-19 có quay trở lại hay không. Song điều chắc chắn là tốc độ tăng trưởng GDP năm nay còn cách khá xa so với mục tiêu đặt ra.

Vậy vì sao, chúng ta không điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, thưa ông?

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo về những khó khăn trong 5 tháng đầu năm và dự kiến 7 tháng cuối năm cũng khó khăn không kém, đồng thời dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại thì thấy rằng, chưa có đủ cơ sở khoa học để đưa ra các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô dự kiến điều chỉnh, vì không tổ chức, cá nhân, chuyên gia kinh tế, y học nào có thể dự báo được Covid-19 sẽ diễn biến ra sao. Do đó, Chính phủ chưa trình mục tiêu điều chỉnh.

Nghị quyết của Quốc hội là pháp lệnh. Thưa ông, nếu không điều chỉnh thì buộc Chính phủ phải hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã được đặt ra tại Nghị quyết 85/2019/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020?

Nghị quyết của Quốc hội là pháp lệnh, nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm như tăng trưởng GDP, lạm phát, xuất khẩu, thâm hụt cán cân thương mại, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… không phải là pháp lệnh, không bắt buộc Chính phủ thực hiện bằng mọi giá, mà phải tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Nếu không phải là pháp lệnh, theo ông, trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội có nên đặt ra các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay không?

Vẫn rất cần thiết phải đặt ra các chỉ tiêu, vì đây là kim chỉ nam để Chính phủ đặt ra các “chỉ tiêu phụ” khác nhằm thực hiện chỉ tiêu chính.

Đơn cử, năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8%. Từ đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 2,91 - 3,0%; khai khoáng giảm 1%; chế biến, chế tạo tăng 11%; xây dựng tăng 8,46%; dịch vụ tăng 6,74 - 7,24%...

Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát dưới 4%, thì Chính phủ tính toán tốc độ tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, lượng cung tiền M2 thế nào để vừa bảo đảm được tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.

Hay từ chỉ tiêu về vốn đầu tư toàn xã hội, Chính phủ sẽ đặt ra chỉ tiêu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bao nhiêu, đi vay bao nhiêu, huy động vốn đầu tư trong nước bao nhiêu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao nhiêu… Từ các dữ liệu đó, Chính phủ tính toán mức bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và rất nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Nhưng tôi xin nhắc lại, các chỉ tiêu nêu trên chỉ nhằm điều hành, chứ không phải là pháp lệnh, không bắt buộc thực hiện bằng mọi giá, mà phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lý do là, các mục tiêu kinh tế vĩ mô được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm trước trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới, mà dự báo thì chỉ là dự báo, không ai có thể dự báo được dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, thảm họa thiên nhiên trước cả năm.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục