Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2012 - 2020. (Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,3%; 5,4%; 6,5%; 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5%; 2,2%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,6% cùng kỳ năm 2019, đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu như: sản xuất xe có động cơ giảm 14%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 6,9%...
Một số ngành tăng nhưng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,2%; dệt tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,8%.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá như khai thác quặng kim loại tăng 14,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,4%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu như bia giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 13,4%; ô tô giảm 12,5%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,4%; sắt, thép thô giảm 7,8%; xe máy giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,5%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 14,9%; xăng dầu các loại tăng 12,6%; thép thanh, thép góc tăng 12%; thuốc lá điếu tăng 8,4%; phân u rê tăng 6,3%; than sạch tăng 5,3%.
Đáng chú ý, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn duy trì được tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 8 tăng 13% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tháng 8/2020 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 23,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đạt 31,5 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự báo của Bộ Công thương, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng đã lên kế hoạch và kịch bản ứng phó với tình hình này trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống phân phối, đưa ra các chương trình ưu đãi, hỗ trợ vượt trội cho khách hàng trong việc mua bán sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử cũng như các dịch vụ khuyến mại, bảo hành, chăm sóc khách hàng đặc biệt khác nhằm kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm của Samsung.
Với ngành sản xuất xe có động cơ, trong tháng 8 đã tăng 6,1% so với tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của ngành trong 8 tháng vẫn giảm 14% so với cùng kỳ. Sản lượng sản xuất tháng 8 ước đạt 25,9 nghìn chiếc, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ.
Từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ô tô trong nước. Nhiều hãng ô tô (kể cả các hãng FDI) đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai khi thấy động thái cam kết hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước của Việt Nam.