Lạm phát tại Anh trong tháng 11 đã giảm từ mức kỷ lục 11,1% trong tháng 10 xuống 10,7%, thấp hơn mức dự báo lạm phát 10,9% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó.
Thông tin này có thể xoa dịu phần nào những căng thẳng, khó khăn mà Ngân hàng Anh (BOE - ngân hàng trung ương) và các hộ gia đình Anh đang phải đối mặt.
Trước đó, Mỹ và các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều thông báo lạm phát giảm trong tháng 11, mang đến hy vọng rằng làn sóng lạm phát hiện nay có thể đã lên tới đỉnh điểm.
Nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, ông Grant Fitzner cho biết giá cả hàng hóa vẫn tăng.
Tuy nhiên, mức tăng hiện nay đã thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái mà nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng.
Trong 12 tháng qua, BOE liên tục phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát hiện vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà thể chế tài chính này đưa ra.
Theo các nhà kinh tế, BOE sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất từ 3% lên 3,5% trong quyết định dự kiến công bố ngày 15/12.
Tháng trước, ngân hàng trung ương này dự báo Anh đang dần rơi vào suy thoái kinh tế với lạm phát không thể trở lại mức mục tiêu 2% trước năm 2024.
Cơ quan Giám sát ngân sách của Chính phủ Anh dự đoán về khả năng người dân phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều nhất kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước.
Lạm phát của Anh bắt đầu tăng vào năm ngoái, do chuỗi cung ứng gián đoạn chịu tác động của dịch COVID-19 và "bão giá" năng lượng liên quan tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo BOE, tình trạng thiếu lao động, xung đột về thương mại và người di cư cũng là những yếu tố khiến giá các hàng hóa và dịch vụ leo thang tại Anh.
Trong phát biểu sau khi chỉ số lạm phát được công bố, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt khẳng định những thiệt hại do lạm phát gây ra sẽ còn kéo dài nếu Chính phủ Anh đưa ra lựa chọn sai lầm.
Do đó, ông nhấn mạnh Anh cần có những quyết định cứng rắn để ứng phó với tình trạng giá tăng phi mã mà theo ông là "kẻ thù số 1" khiến tất cả đều nghèo đi.