Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tháng 10 giảm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10 lại sụt giảm, bên cạnh hoạt động tại các nhà máy ngày càng suy yếu dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tháng 10 giảm trở lại

CPI của Trung Quốc đã giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,1% so với tháng 9, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) mới công bố hôm nay.

Con số này bị kéo xuống bởi giá thịt lợn tiếp tục sụt giảm, giảm 30,1% trong tháng 10. Mức sụt giảm này mạnh hơn cả mức giảm 22% trong tháng 9, trong bối cảnh dư cung thịt lợn và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Chỉ số lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu, chỉ còn tăng nhẹ 0,6% trong tháng 10, tăng thấp hơn so với con số 0,8% trong tháng 9. Điều này cho thấy Trung Quốc phải tiếp tục chiến đấu với nguy cơ giảm phát và nguy cơ một lần nữa không đạt được mục tiêu lạm phát cả năm mà chính phủ nước này đặt ra ở mức khoảng 3%.

Chỉ số Giá tiêu dùng rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 7 và nhích lên tăng 0,1% trong tháng 8 và không có sự thay đổi trong tháng 9. Kết hợp với các chỉ số kinh tế khác, dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong quý IV cho đến nay vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.

Rủi ro giảm phát vẫn đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: Reuter.

Rủi ro giảm phát vẫn đang đe doạ nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: Reuter.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle, cho biết: “Dữ liệu cho thấy việc chống lại tình trạng giảm phát kéo dài trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu vẫn là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”.

Theo ông Pang, cần có sự kết hợp chính sách phù hợp và nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát, khi niềm tin đối với doanh nghiệp và chi tiêu hộ gia đình đều đang sụt giảm.

Mặt khác, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 10 cũng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số này chỉ giảm 2,5% trong tháng 9. Tuy nhiên mức giảm này vẫn ít hơn so với các nhà kinh tế dự đoán ở mức 2,7% trong tháng 10.

Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với quy mô rộng hơn, bao gồm việc phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137,43 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và động thái cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ.

Hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng 10 trong khi hoạt động xuất khẩu lại sụt giảm. Trung Quốc cũng có quý đầu tiên ghi nhận thâm hụt trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này cho thấy áp lực dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc sau các động thái "giảm rủi ro" của các chính phủ phương Tây.

Trong báo cáo đưa ra ngày thứ Năm (9/11), Moody's cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,0% vào năm 2023, phù hợp với mục tiêu mà chính quyền nước này đặt ra, tiếp theo là mức tăng trưởng 4,0% vào năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy còn nhiều rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”.

La Hi
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục