Lãi suất khó giảm trên diện rộng
Sau khi 4 ngân hàng thương mại quốc doanh giảm nhẹ 0,5% lãi suất cho vay đầu tháng 8/2019, chỉ có thêm vài ngân hàng thương mại cổ phần nhập cuộc. Trong hai tuần qua, chưa có thêm ngân hàng nào tuyên bố giảm lãi suất, trong khi hầu hết nhà băng đều đưa ra các chương trình khuyến mãi khủng để hút khách gửi tiền.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, hiện tại, OCB vẫn chưa thể giảm lãi suất do lãi suất đầu vào chưa giảm. Cũng theo ông Tùng, vừa qua, lãi suất ở một số ngân hàng giảm, nhưng cũng chỉ giảm với những đối tượng ưu tiên.
Có vẻ như làn sóng giảm lãi suất chưa thể sớm lan rộng như kỳ vọng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng vẫn giữ ở mức cao. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 năm được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức 8 - 8,5%/năm. Ngay cả một số ngân hàng tham gia giảm lãi suất đầu tháng này cũng cho hay, lãi suất khó giảm trên diện rộng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng VPBank - ngân hàng vừa giảm 1% lãi suất cho vay với doanh nghiệp xuất nhập khẩu - cho hay, chỉ những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện mới được giảm lãi suất. Còn xét về bình diện chung thị trường, ông Hưng cho rằng, lãi suất cho vay có thể còn tăng từ nay đến cuối năm.
“Từ nay đến cuối năm, lãi suất khó giảm, thậm chí còn tăng do tính thời vụ. Tất nhiên, với chỉ đạo của Chính phủ, xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ là giảm, song theo tôi, sẽ không có việc lãi suất giảm đại trà, mà sẽ tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng và chỉ giảm với một số đối tượng nhất định”, ông Hưng nhận định.
Huy động vốn chậm, nhà băng đa dạng hóa các kênh gọi vốn giá cao
Theo báo cáo của Khối Phân tích và Đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty cổ phần Chứng khoánSSI), mặc dù lạm phát và tỷ giá đang diễn biến có lợi cho giảm lãi suất và thực tế một số ngân hàng đã giảm lãi suất từ ngày 1/8 đối với lĩnh vực ưu tiên, song khả năng có một đợt giảm lãi suất trên diện rộng để hỗ trợ tăng trưởng là rất khó. Nguyên nhân một phần do tỷ giá có thể nóng trở lại do căng thẳng Mỹ - Trung, một phần do huy động vốn của các nhà băng đang tăng trưởng chậm chạp.
Cụ thể, tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống trong 5 tháng đầu năm 2019 dao động ở mức 90%, tăng so với mức 88% của cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều ngân hàng tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay. Nếu tính bình quân 18 ngân hàng thương mại đang niêm yết, trong nửa đầu năm 2019, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,4%, trong khi cho vay khách hàng tăng 8,2%.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, nguồn tiền gửi dân cư có hạn, lại đang phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản…, nên thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã chạy đua tìm thêm vốn ở kênh phát hành trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất khá hợp lý. Với lãi suất trái phiếu 9 - 14%/năm, thì lãi suất huy động tiền gửi khó giảm, kéo theo lãi suất đầu ra khó giảm theo.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ cầu vốn trong nước tăng cao, mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng tác động bất lợi đến lãi suất.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tăng hay giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian qua chỉ phản ánh cung - cầu vốn của ngân hàng cũng như định hướng của Chính phủ, chứ không liên quan đến lạm phát hay thanh khoản. Thời gian tới, mặt bằng lãi suất dự báo biến động nhẹ theo hình sin, song cơ bản giữ được ổn định, theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Lãi suất huy động đang đứng ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm. Vừa qua, một số ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất, nhưng chỉ ở lĩnh vực ưu tiên và cũng chưa có tác động lan tỏa trên hệ thống. Do chi phí vốn không giảm, nên lãi vay khó giảm theo. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng, nhân dân tệ và một số đồng tiền lớn trên thế giới giảm giá cũng đang gây sức ép lên tỷ giá ở nước ta. Thêm vào đó, giá vàng tăng mạnh. Trong bối cảnh như vậy, nếu giảm lãi suất đầu vào, tiền đồng sẽ ‘chạy trốn’ khỏi ngân hàng”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế