Thưa ông, được biết, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi mới nhất đã mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Vậy mục tiêu của việc mở rộng đối tượng này là gì?
Quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...
Chẳng hạn, trước đây, chỉ có người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam thì nay dự thảo Luật đã mở rộng cho các cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà.
Hay như trước đây, chỉ có người nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam hoặc có những đóng góp đặc biệt cho Việt Nam mới được sở hữu nhà thì nay cả các tổ chức nước ngoài như DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Mục tiêu của quy định này là nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam và góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng như trên có thể dẫn đến hiện tượng người nước ngoài rửa tiền, đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà đất Việt Nam. Ban soạn thảo đã có những quy định nào nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trên?
Lường trước những tình huống trên, Ban soạn thảo đã đề ra những quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở, cụ thể chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ… Còn để phòng, chống việc rửa tiền, chúng tôi đã quy định việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Liệu có sự phân biệt nào giữa người nước ngoài và người Việt Nam khi mua nhà không, thưa ông?
Theo quy định trước đây, người nước ngoài chỉ được mua căn hộ chung cư trong các dự án thương mại, nay họ được mở rộng mua cả nhà liền kề, biệt thự tại những dự án này. Tuy nhiên, vì ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên người trong và ngoài nước đều chỉ được sở hữu nhà trên đất, đồng thời được Nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Với quy định này, họ được thực hiện rất nhiều quyền như thừa kế, tặng cho, mua bán... Điều khác biệt là người nước ngoài chỉ được giao quyền sử dụng đất 50 năm và có thể gia hạn thêm 50 năm nữa, còn người Việt Nam được giao quyền sử dụng đất vĩnh viễn.
Ngoài việc được mua nhà, người nước ngoài còn được tham gia kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Ông có thể cho biết rõ hơn về quy định này?
Lúc đầu, Ban soạn thảo đã đưa ra quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án bất động sản của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, chúng tôi đã chỉnh sửa theo hướng thay cụm từ “tổ chức, cá nhân nước ngoài” thành “DN có vốn đầu tư nước ngoài”.
Có thể hiểu rằng, từ quy định thể nhân và pháp nhân ban đầu, nay dự thảo Luật chỉ cho phép pháp nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Nói cách khác, người nước ngoài muốn kinh doanh bất động sản tại Việt Nam phải thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài để hoạt động.