Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, vay vốn WB.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nêu rõ ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ GTVT đối với các ý kiến tại Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó lưu ý về nội dung giải trình về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và các vấn đề khác liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến rõ ràng về hồ sơ trình của Bộ GTVT nêu trên đã đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công năm 2019 và các quy định pháp luật khác có liên quan, trong trường hợp chưa đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật thì nêu rõ lý do; báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2024.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 3089/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay WB.
Tờ trình này được Bộ GTVT phát đi sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với Quốc lộ 53, các đoạn tuyến được đưa vào Dự án gồm: cầu Ngã Tư (dự kiến từ Km7+820 đến Km8+730); đoạn Long Hồ - Ba Si, điểm đầu tại Km11+295, điểm cuối dự kiến tại Km56+180.
Chiều dài đầu tư khoảng 41 km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,5m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2 m và lề đường rộng 2x0,50m.
Đối với Quốc lộ 62, phạm vi Dự án có điểm đầu tại Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối dự kiến tại Km74, với chiều dài đầu tư khoảng 69km nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Long An.
Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,50m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2m và lề đường rộng 2x0,50m; nâng cấp, cải tạo mặt đường đối với một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng mặt đường.
Đối với Quốc lộ 91B, phạm vi Dự án có điểm đầu dự kiến tại Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ), điểm cuối dự kiến tại Km143+480.
Chiều dài đầu tư khoảng 141 km nằm trên địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới rộng 2x3,50m, 2 làn xe thô sơ rộng 2x2m và lề đường rộng 2x0,50m; nâng cấp, cải tạo mặt đường đối với một số đoạn qua đô thị đã đảm bảo chiều rộng mặt đường.
Thời gian thực hiện Dự án là 4 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn (dự kiến từ năm 2024 - 2027). Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.297,12 tỷ đồng, tương đương khoảng 389,39 triệu USD, trong đó chi phí đầu tư nâng cấp Quốc lộ 53 là 2.601 tỷ đồng; Quốc lộ 62 là 3.241,8 tỷ đồng và Quốc lộ 91B là 3.454 tỷ đồng.
Dự án sẽ vay vốn của WB là khoảng 267,44 triệu USD (tương đương khoảng 6.385,41 tỷ đồng) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Vốn đối ứng trị giá khoảng 2.911,71 tỷ đồng (tương đương khoảng 121,95 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.