Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tháng 4 vẫn tăng do giá nguyên liệu trong nước tăng từ 5.000 - 6.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, rào cản thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn được cho là khó khăn chính khiến rất ít doanh nghiệp cá tra bám trụ lại được thị trường này. Hiện, chỉ còn dưới 3 doanh nghiệp trong số 14 doanh nghiệp xuất sản phẩm sang Mỹ.
Tháng 3/2018, hai Thượng nghị sĩ Mỹ đã liên lạc với đại diện thương mại hàng đầu của Mỹ, yêu cầu hỗ trợ bãi bỏ chương trình thanh tra thủy sản trước đơn khiếu nại của Việt Nam tới Tổ chức Thương mại Thế giới.
Theo đó, McCain và Shaheen muốn Lighthizer hỗ trợ việc hủy bỏ chương trình trước giai đoạn tham vấn 60 ngày khi gia nhập WTO.
Song song đó, Việt Nam cũng đã đệ trình một đơn khiếu nại chính thức với tổ chức thương mại quốc tế cho rằng chương trình thanh tra đưa ra một rào cản thương mại bất hợp pháp.
Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có phản hồi. Do đó, trong quý II/2018, số lượng doanh nghiệp sang thị trường này vẫn không có thay đổi về số lượng và ngày càng teo tóp.
Tính đến nửa đầu tháng 4/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 91,8 triệu USD, tăng 26,1%, chiếm 17,7% tổng giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu tăng cao là do giá cá tra nguyên liệu tăng.
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nguồn cung chính cá tra sang thị trường Mỹ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm đến 90% tổng nhập khẩu cá tra của Mỹ.
Nếu các năm trước, Trung Quốc chủ yếu chỉ xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa tươi, ướp lạnh sang thị trường Mỹ, thì nay đã bắt đầu tăng sản lượng sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh với tổng giá trị khoảng 37,2 triệu USD.
Giá nhập khẩu cá tra, basa trung bình của Mỹ từ Trung Quốc đạt 6,77 USD một kg, trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 3,42 USD một kg.